Từ khi cầu Năm Căn bắc qua cửa sông Cửa Lớn được hoàn thành, huyện Ngọc Hiển được kết nối với cả nước và phát triển mạnh trên tất cả phương diện từ giao thông đến kinh tế, văn hóa, đặc biệt là ngành nuôi trồng thủy sản. Qua đó, tôm và cua, những loại đặc sản được đánh giá là có chất lượng ngon nhất của địa phương, ngày càng được biết đến nhiều hơn ở trong và ngoài nước.
Kết hợp điều kiện tự nhiên rừng ngập mặn, sinh vật đa dạng, bà con xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển vừa nuôi thủy sản, vừa phát triển du lịch homestay, hàng năm đón từ 70.000 - 100.000 lượt khách. Đến với huyện Ngọc Hiển, du khách không chỉ hiểu thêm về nét đẹp hoang sơ mà còn được thưởng thức những món ngon từ đặc sản ở vùng đất cuối trời của Tổ quốc.
Theo đánh giá của du khách, đặc sản cua biển của vùng Năm Căn là ngon nhất. Cua biển Năm Căn ngon là nhờ nguồn nước biển trực tiếp vào giúp đủ độ mặn, khiến cua có vị ngọt đậm mà các nơi khác không có được.
Hiện nay, cua biển Cà Mau đã tạo được vị thế trên thị trường. Cua giống chủ yếu được nuôi kết hợp với tôm sú, cá biển theo hình thức quảng canh. Thời gian cua phát triển từ cua giống đến khi trưởng thành là khoảng 6 tháng. Cua ở đây được bắt theo hình thức đặt lọp vào buổi chiều, sáng hôm sau người dân đi thăm và dỡ lọp. Ngoài ra, cư dân có thể có thể bắt cua trong hang.
Cua ở rừng ngập mặn Cà Mau có thể trở thành món ăn hấp dẫn với cách chế biến đơn giản như: nướng củi, cua muối, cua ướp tỏi ớt, cua nấu chao… với hương vị đặc trưng, vị ngọt đậm đà cùng các loại rau, quả dân dã ăn kèm tùy món.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!