Năm 1975, chiến tranh kết thúc ở Việt Nam. Đó là cuộc chiến tranh dài nhất, làm thiệt mạng nhiều người nhất trong thế kỷ XX, được biết đến trên mọi châu lục, bên cạnh những cuộc chiến tranh khác. Chủ nghĩa thực dân Pháp, rồi chủ nghĩa đế quốc Mỹ lần lượt mưu toan ngăn chặn làn sóng cách mạng Việt Nam nhưng không thành công. Về phía Pháp, 9 tướng lĩnh cao cấp, trong đó có những vị có nhiều kinh nghiệm nhất (từ tướng Leclerc đến tướng Salan, không kể trước đó có d'Argenlieu, De Lattre...) lần lượt nắm quyền chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp. Trong giai đoạn chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam, 4 tướng lĩnh, cũng là những người dày dạn kinh nghiệm đã lần lượt thay nhau, trong đó có tướng Westmoreland và Abrams. Tất cả đều xuất thân từ những trường quân sự nổi tiếng nhất phương Tây, như Saint Cyr, West Point...
Đối mặt với họ, một người Việt Nam chưa từng ngồi trên ghế các trường quân sự lớn, nhưng đã tự học chiến lược, chiến thuật trên thực địa, đó là VÕ NGUYÊN GIÁP. Chính ông đã kể cho tôi trong những điều kiện nào ông đã tiếp cận nghệ thuật chiến tranh: Chúng tôi không qua một trường lớp quân sự nào. Khi còn ở Hà Nội năm 1940, các đồng chí của chúng tôi truyền đạt nghị quyết của Đảng về chuẩn bị đấu tranh vũ trang, tôi vào Thư viện Quốc gia tìm trong cuốn Đại từ điển Larousse những mục từ về kỹ thuật quân sự. Tôi nhớ đã đọc mục từ “lựu đạn”. Tôi cố gắng tìm hiểu nhưng khó quá, “lựu đạn tấn công”, “lựu đạn phòng ngự”, “hạt nổ”. Lúc đó tôi không hiểu thế nào là “bộ phận nổ”.
Một mình chống lại khoảng 15 sĩ quan cao cấp được đào tạo bài bản tại ở các trường quân sự phương Tây! Cuộc đấu tranh xem ra không cân sức...
Đúng vậy, nhưng Võ Nguyên Giáp đâu phải chỉ có một mình! Ông có nhân dân Việt Nam cùng kề vai sát cánh. Người Việt Nam giàu truyền thống đấu tranh chống xâm lược nước ngoài, nhiều thế kỷ chống kẻ thù phương Bắc, chống lại người Pháp trong thời kỳ chinh phục thuộc địa, sau đó từ năm 1945, tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hiện thân trong hình ảnh cao cả của Hồ Chí Minh. Với Bác Hồ, với Giáp và các bạn chiến đấu của mình, cụm từ "chiến tranh nhân dân" không ngừng trở thành khẩu hiệu động viên toàn thể dân tộc, được đem ra thực hiện hàng ngày. Ít nhà quan sát người Pháp trước năm 1946 và còn ít hơn nữa các nhà quan sát người Mỹ trước những năm 1960 có thể hiểu được điều này.
Làm sao "một dân tộc nhỏ bé" của những người nông dân mà họ gọi một cách coi thường là "những người nhà quê" lại có thể đương đầu với vũ khí hiện đại? Làm sao những người du kích quần áo rách rưới đi dép cao su lại có thể đua tranh với các "ông lớn" da trắng mặc quân phục dã chiến, đi ủng cao và được trang bị đến tận răng?
Một người bạn chiến đấu khác của Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cách đây không lâu đã kể cho tôi một giai thoại sau. Năm 1946 khi ông dẫn đầu Phái đoàn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến dự Hội nghị Fontainebleau. Max André, người dẫn đầu Phái đoàn Pháp, đã phát biểu với giọng trịch thượng: "Các ông hãy tỏ ra biết điều, hãy nhường Nam Kỳ cho chúng tôi. Các ông không muốn chiến tranh đấy chứ? Nếu chẳng may chiến tranh xảy ra, quân lính của các ông chỉ cầm cự được dăm tháng là cùng!". Tôi còn nhớ khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại cho tôi câu chuyện đó, ông phá lên cười, một cái cười rất tự nhiên, cứ như ai nói đến chuyện đó cũng phải cười như thế! Thế mà thực dân Pháp đã bại trận. Nước Mỹ được trang bị vũ khí tối tân nhất thế giới cũng bại trận. Đương nhiên nhân dân Việt Nam phải trả giá bằng bao nỗi đau thương, mất mát! Nhưng thực tế còn kia: chiến thắng năm 1975 đang và sẽ còn là một thời điểm quan trọng nhất của thế kỷ XX.
‘ Giáo sư Alain Ruscio với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cuốn sách GIÁP bằng tiếng Pháp của Boudarel ra mắt độc giả từ năm 1977, nghĩa là hai năm sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975 của Việt Nam. Có lẽ đây là điều trách cứ duy nhất chúng tôi có thể dành cho nhà sử học này. Bởi với kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về con người, đất nước Việt Nam, "Tổ quốc thứ hai" của ông, thông thạo tiếng Việt, đáng lẽ Boudarel phải viết sớm hơn thế, ngay từ trong chiến tranh mới phải. Bởi nếu thế, có lẽ ông sẽ giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân nào đã khiến nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi.
‘ Bìa cuốn "GIÁP" của Georges Boudarel
Thực vậy, cuốn sách này có lợi thế lớn hơn nhiều so các cuốn sách khác đã viết về GIÁP sau đó không còn bám vào câu hỏi: "Giáp và nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi như thế nào?", nhưng Boudarel đã giải thích "Tại sao" họ lại chiến thắng? Và muốn giải đáp được câu hỏi trên, phải tìm hiểu lịch sử đất nước này từ rất lâu trước thế kỷ XX, điều đó Boudarel đã nắm được và chuyển tải sang cuốn sách của ông.
Tại Pháp, cuốn sách này đã không được hoan nghênh như đáng lẽ phải có. Tình hình biến chuyển nhanh và năm 1977, âm vang của chiến thắng 1975 của Việt Nam đã bị những sự kiện quốc tế khác che phủ. Báo chí không nói nhiều đến công trình nghiên cứu mang tính đổi mới này. Hơn nữa, từ năm 1978, bằng chiến dịch xấu xa vu cáo Việt Nam: với những "thuyền nhân", rồi những khó khăn của đất nước ở biên giới Tây Nam (Khơme Đỏ đánh phá) và phía Bắc (Trung Quốc khiêu khích), phương Tây tưởng đã đến lúc phục thù. Chiến dịch vu cáo này đạt tới đỉnh điểm khi Việt Nam giúp giải phóng Campuchia, rồi Trung Quốc gây chiến tranh biên giới với Việt Nam.
‘ Georges Boudare -Tác giả đặc biệt đã viết cuốn "GIÁP"
Sau này người ta biết rằng bản thân Boudarel cũng là đối tượng của một chiến dịch khá mạnh gây thù hằn của những kẻ thua trận trong lịch sử, "những người cũ ở Đông Dương" và một phần cánh hữu của Pháp. Tôi thuộc về những người đã bênh vực Boudarel lúc đó. Tôi còn nhớ tôi đã gặp Boudarel trong ngôi nhà ông nghỉ hưu vào những năm cuối đời. Lúc đó sức khỏe ông đã sa sút lắm nhưng vẫn minh mẫn, luôn đọc rất nhiều, hay hỏi thăm tin tức về Việt Nam...
Giờ đây cuốn sách được dịch sang tiếng Việt, quả là một việc làm đáng hoan nghênh. Bạn đọc Việt Nam ngày nay có thể tìm hiểu qua những trang sách hết sức phong phú nhưng cô đọng, cung cấp nhiều thông tin quý giá và bổ ích về cuộc đời của một trong những nhân vật vĩ đại của thời đại này - Đại tướng Tổng Tư lệnh VÕ NGUYÊN GIÁP. Đây đồng thời cũng là một sự trân trọng của Việt Nam ngày nay dành cho một trong những người bạn trung thành sáng suốt nhưng có khi bị chỉ trích - Georges Boudarel.
Georges Boudarel là một người Pháp nhưng lại đứng trong hàng ngũ của những người chiến đấu chống lại nước Pháp thực dân - ông thuộc đội quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh. Đến Việt Nam với tư cách là một cử nhân triết học, dạy môn lịch sử trong một trường trung học ở Sài Gòn nhưng khi cuộc chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ (tháng 12.1946), G. Boudarel đã lựa chọn con đường vào chiến khu của những người Việt Nam kháng chiến để chống lại những tàn dư của chủ nghĩa thực dân. Bởi vậy, những câu chuyện của ông là chuyện của người trong cuộc. Hai năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất nước Việt, năm 1977, ông viết "GIAP" tại Pháp như một công trình nghiên cứu và một phần trong luận án tiến sĩ của mình. Sử dụng tiếng Việt thành thạo, Georges Boudarel khảo nhiều tư liệu chính thống của Việt Nam, kết hợp với nhiều nguồn sách báo nước ngoài nên trong cuốn sách của ông có nhiều tài liệu và nhiều quan điểm, đánh giá mới mẻ. Cuốn sách có những chi tiết rất thú vị cho chúng ta biết về cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp đã kiên cường trước những âm mưu của kẻ thù như thế nào.