Đặt chà và dỡ chà là một kỹ thuật khai thác thủy sản có từ lâu đời của người dân miệt vườn sông nước miền Tây. Người ta thường kiếm bên bờ lở, nước sâu nhưng yên tĩnh để chất chà. Dỡ chà thường theo con nước kém, đặc biệt là vào thời điểm Tết, người dân dỡ chà nhiều nhất, vừa để kiếm cá ăn vừa để bán có chút tiền mua sắm Tết.
Từ khi chất chà đến khi dỡ chà, người ta luôn cho thức ăn để dẫn dụ cá tôm. Trước khi dỡ là thời điểm thức ăn được cho nhiều nhất để cá tụ hội về. Có nhiều cách dỡ chà. Đối với vùng Hậu Giang, khi chà chất cặp bờ sông, người ta bao lưới hết đống chà. Mọi người cùng nhau hạ viền lưới tháo lục bình và từng nhánh chà được chuyển ra ngoài.
Dỡ chà mang tính cộng đồng, gắn kết làng xóm rất cao: người sắm ghe, người sắm lưới. Dỡ chà cũng phải vạn vần đổi công vì cần đến sức của 5 - 7 người đàn ông khỏe mạnh đễ dỡ được một đống chà.
Nhiều người làm nghề lâu năm kể lại, trước đây, mỗi đống chà ven sông Hậu đến kỳ dỡ tối thiểu cũng vài ba trăm kg cá trắng, chưa kể tôm càng, cá đen như cá lóc, cá trê nhiều vô kể. Số tôm cá vừa để ăn vừa bán kiếm tiền sắm sửa trong mấy ngày Tết.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!