Dị ứng thuốc và cách phòng ngừa

Phạm Hà-Chủ nhật, ngày 13/11/2011 07:00 GMT+7

Trong các tác dụng không mong muốn của thuốc thì dị ứng thuốc là một vấn đề được quan tâm hàng đầu. Ở Việt Nam, tỷ lệ người sử dụng thuốc bị dị ứng là gần 10%.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Trong khi đó, nhiều người vẫn có thói quen tự ý mua thuốc về uống, hoặc dùng đơn thuốc của người khác, làm cho dị ứng thuốc càng nặng nề hơn. Thuốc nào cũng có khả năng gây ra phản ứng dị ứng thuốc. Đứng đầu bảng các thuốc hay gây sốc phản vệ là các loại thuốc kháng sinh, như penicillin, ampicillin, cefotaxim... Một số thuốc điều trị bệnh phong, đau khớp, thuốc kháng động kinh, thuốc điều trị gút… cũng có thể gây ra những phản ứng có hại rất nguy hiểm.
Các thuốc ảnh hưởng trên hệ tim mạch như thuốc tê novocain, lidocain, hay một số vitamin như vitamin C dạng tiêm, vitamin B1 tiêm... có thể gây sốc phản vệ. Cần lưu ý, có những thuốc dùng vài lần trước đó không việc gì, nhưng lần dùng sau lại bị phản ứng dị ứng.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, 80% bệnh nhân dị ứng thuốc là do tự điều trị, trong đó có nhiều trường hợp điều trị theo các đơn thuốc truyền miệng. Những người có cơ địa dị ứng cũng là đối tượng cao bị dị ứng thuốc.
Để phòng tránh dị ứng thuốc, dù trong bất cứ trường hợp nào, khi nghi bị bệnh hoặc muốn dùng thuốc bổ trợ sức khỏe cũng không nên tự ý mua thuốc để dùng. Khi dùng thuốc, nếu thấy khác thường (bị dị ứng thuốc hoặc tác dụng phụ của thuốc), người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh càng sớm càng tốt. Sau khi khám bệnh, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự động thay đổi thuốc hoặc thay đổi liều lượng và số lượng.
Điều cần lưu ý là, mỗi lần khám bệnh định kỳ hay đột xuất, nên cho bác sĩ biết về tình trạng bệnh tật của mình, nhất là các bệnh dị ứng và có bị dị ứng với loại thuốc nào hay không, đặc biệt là các loại kháng sinh.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước