Trên một số con đường của thủ đô Hà Nội, trước cửa tòa soạn báo, trụ sở công an phường, ở phường xã... vẫn còn tồn tại các bảng tin công cộng – các điểm đọc ‘‘báo đứng". Từ những năm 90, các trạm tin này được lập ra để phục vụ cho công tác tuyên truyền cho nhân dân, để nhân dân nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Có một thời, những trạm tin này là biểu tượng văn hóa của người Hà Nội, nhưng hiện tại số lượng người còn trung thành với hình thức đọc báo này ngày một thưa dần. Với những người còn lại, đây gần như là một thói quen khó bỏ.
Các trạm tin luôn có sức hút rất đặc biệt (Ảnh: Phùng Nhung)
Tưởng chừng bị lãng quên
Các trạm tin được thiết kế đơn giản với khung sắt vuông chắc chắn, có tên của tòa soạn hoặc tên phường xã, bên trong là những trang báo được dàn trải lên tấm bảng rộng, bên ngoài có một lớp kính để che mưa chắn gió. Từng đó thôi, nhưng đây là kỉ niệm của cả một thế hệ, nuôi dưỡng biết bao nhiêu tâm hồn người Hà Nội. Trong thời kỳ khó khăn, không phải nhà nào cũng có điều kiện mua báo, các trạm tin luôn là điểm đến hàng đầu để cập nhật tin tức trong và ngoài nước. Dường như nó trở thành thói quen không thể không làm mỗi ngày của người Hà Nội.
Bây giờ, với sự xuất hiện của truyền hình và Internet, việc cập nhật tin tức đã trở nên dễ dàng và sống động hơn trước. Với một số người, đặc biệt là giới trẻ, việc dành thời gian mỗi ngày để tới trạm tin phường đọc báo là một điều không tưởng. Cuộc sống bận rộn và hàng tá áp lực đè nặng trên vai không cho phép họ thong thả như vậy. Có những người thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của các trạm tin này.
Chính vì vậy, các trạm tin dần thưa thớt người đọc và không được sử dụng đúng mục đích. Nhiều trạm tin ở phường còn là nơi tụ tập, buôn bán, điểm trông giữ xe cộ, trên bảng tin thì dán những tờ quảng cáo nham nhở. Nhưng một số các trạm tin còn lại, nó vẫn thực hiện được chức năng của mình, vẫn thu hút một lượng độc giả.
Hiện nay, đối tượng độc giả của "báo đứng" thường là người cao tuổi, đặc biệt là những cụ ông đã về hưu. Thấy nhớ nét văn hóa Hà Nội xưa, họ lại tìm đến các trạm "báo đứng". Với một số người không hẳn thiếu tiền mua báo mà có thể đó là do thói quen, sở thích, cái thú hay lối sinh hoạt xưa cũ.
Bác Vân và bác Tịnh chăm chú đọc từng mẩu tin (Ảnh: Phùng Nhung)
"Sau khi tập thể dục về, tôi thấy có báo mới là phải ghé vào luôn !" (Ảnh: Phùng Nhung)
Thói quen thành nét đẹp
Tưởng rằng vị thế của những nơi này sẽ mất dần vào tay các thiết bị di động thông minh, song những năm gần đây, địa điểm đọc báo công cộng lại thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều người. Một số người coi nó như thói quen ăn sâu vào trong tiềm thức, như là một "thủ tục" không thể thiếu mỗi ngày. Có những người từ sáng sớm đi tập thể dục về, họ đi bộ thong thả ghé qua trạm "báo đứng" xem tin tức. Được đọc báo trong một không gian thoáng đãng, có thể đọc kĩ từng tin một, tâm hồn lại thư giãn thoải mái, đối với họ thế là sung sướng lắm rồi.
Một trong những người vẫn duy trì thói quen đọc "báo đứng" đó là bác Vân. Mặc dù đã 70 tuổi, nhưng sáng nào bác cũng đi tập thể dục một vòng quay Hồ Hoàn Kiếm, rồi tạt qua bảng tin trước cửa báo Hà Nội Mới. Bác Vân chia sẻ: "Mặc dù đã mua báo ở nhà nhưng vẫn thích qua đây đọc, cứ đi tập thể dục về tôi lại tạt qua đây. Tôi chờ người ta dán báo tôi đọc luôn rồi mới về nhà".
Các trạm tin này luôn có sức hút đặc biệt, từ những người đi tập thể dục về đến những người ở xa đạp xe đến. Một độc giả trung thành của trạm tin trước cửa báo Quân đội Nhân dân trên phố Phan Đình Phùng cho biết: "Tôi ở xa trung tâm thành phố nhưng sáng nào cũng đạp xe đến đây để đọc báo. Hôm nào mà không qua đây tôi cảm thấy rất bứt rứt. Sau khi đọc xong ở đây, tôi đạp xe đến các trạm khác để đọc tiếp".
Các trạm "báo đứng" không chỉ là nơi đọc báo mà còn là nơi các cụ gặp gỡ, nói chuyện vui vẻ về những kỉ niệm xưa. Trước cổng tòa soạn báo Hà Nội Mới, sáng nào cũng có những độc giả quen thuộc ghé qua. Họ xếp xe đạp ngay ngắn một bên, chờ người dán báo mới lên, sau đó đọc từng tin một. Họ vừa đọc vừa nói chuyện, bàn luận với nhau về những tin tức nóng hổi vừa cập nhật. Một hai người trò chuyện với nhau, những người khác thấy vậy cũng tò mò, rồi hòa chung trong không khí. Từ lạ mà quen, đường phố vẫn tấp nập xe cộ, nhưng ở trạm tin lại rôm rả tiếng cười nói, tiếng bàn luận của họ. Mặc dù trong thời đại phát triển công nghệ thông tin hiện nay, người đọc có thể tương tác với nhau qua những lượt comment, lượt like vậy mà ở trạm "báo đứng" vẫn còn những hình ảnh người dân tụ họp cùng nhau đọc báo, bàn chuyện thời sự.
Có những người nhà xa trung tâm thành phố vẫn đạp xe đến đọc báo (Ảnh: Phùng Nhung)
Mặc dù tuổi cao sức yếu phải chống gậy, cụ ông này vẫn chăm chú đọc từng mẩu tin (Ảnh: Phùng Nhung)
Dù đang đi đường có vội mấy cũng phải xem có tin gì mới không (Ảnh: Phùng Nhung)
Thật vậy, trạm tin là nơi đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn người Hà Nội. Nơi đây trở thành mảng ký ức hân hoan của thế hệ cha ông. Bây giờ, vẫn có những vị khách quen thuộc ngày nào hay lui tới như một thói quen. Thay vì chạy theo thời đại, giờ đây "báo đứng" hoàn toàn có thể tự tạo điểm mới cho mình bằng chính lợi thế truyền thống. Các trạm báo đứng sẽ luôn là thói quen và sở thích của một số người. Sự tồn tại của những trạm tin như thế này sẽ còn mãi trong tâm trí người Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!