Độc đáo tục đón Tết của người Thái ở Tương Dương

Theo Vi Hợi - Nguyễn Duy/Dân Trí-Thứ tư, ngày 07/02/2018 06:00 GMT+7

Rượu cần thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình, mỗi cuộc vui,... của đồng bào Thái.

VTV.vn - Đón Tết mừng Xuân cho dù có khác nhau ở tục lệ của một số dân tộc nhưng lại đều gặp nhau ở tinh thần nhân văn, khát vọng ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng.

Chuyện vui Xuân, đón Tết của người Thái luôn đi liền với những phong tục, tập quán. Với người Thái, những tục lệ đón Tết đều có một ý nghĩa đặc biệt và mang một nét văn hóa riêng. Ở nhiều vùng, người dân tộc Thái chọn ngày 25 hoặc 29 âm lịch là ngày chợ phiên cuối cùng trong năm. Đây cũng là phiên chợ lớn nhất trong năm.

Bà con dân tộc Thái đến chợ để mua sắm phục vụ cho mấy ngày sinh hoạt Tết, sau đó nghỉ ngơi để chơi Tết. Trước Giao thừa 2-3 ngày, các bản còn tổ chức tổng vệ sinh cho cả bản. Tối 29 tháng Chạp, nhà nhà bắt đầu gói bánh chưng.

Người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân bánh. Người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong và đó cũng là cái chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà).

Sáng 30 Tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 là bữa cơm tất niên, có sự góp mặt của anh em trong dòng tộc và hàng xóm, rồi cả đêm người ta thức uống rượu, hương không bao giờ tắt. Sau lễ cúng giao thừa bằng thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén... nhà nào có chiêng hay cồng thì mang ra gõ tại nhà.

Người Thái còn có tục gọi hồn của người Thái. Thường vào chiều tối ngày 28, 29 hoặc 30 tháng Chạp, chủ nhà thịt hai con gà trống một con gà để cúng tổ tiên, một con gà dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà (nhà có điều kiện khá giả thì làm thịt lợn).

Theo quan niệm, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, bó vào túi vải thổ cẩm khoác lên vai, tay phải thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu bản gọi hồn của các thành viên trong gia đình còn mải mê ở đâu đó trên rừng, dưới suối... theo thầy về nhà vui Tết, đón Xuân...

Độc đáo tục đón Tết của người Thái ở Tương Dương - Ảnh 1.

Mâm cúng ma nhà ngày Tết.

Trước kia, vào chiều ngày 30 Tết, đồng bào Thái thường tổ chức hội tắm gội giải xui. Phụ nữ Thái thường ra suối để gội đầu, còn đàn ông thì ra sông tắm rửa. Theo quan niệm của người Thái, họ làm như vậy là để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khỏe, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Sau khi tắm rửa, gội đầu xong, tất cả mọi người đều trở về bản và tham gia các hoạt động như ném còn, tó má lẹ, múa xòe cùng các trò chơi dân gian khác. Sau đó, ai về nhà nấy để chuẩn bị cho lễ cúng gia tiên. Đàn ông sửa soạn bàn thờ, làm những việc nặng trong nhà, còn đàn bà, phụ nữ thì sửa soạn lại bát, đũa và chăm lo công tác nội trợ chuẩn bị cho lễ cúng và bữa cơm năm mới.

Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu là cá và các món nướng, chua, khô... Người Thái kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng 1 Tết. Tối ngày mùng 1 Tết, các gia đình làm lễ tạ. Sau lễ tạ, con cái mới được phép đi chơi.

Từ sáng mùng 2 Tết, các thành viên trong nhà bắt đầu đi chơi, đám thanh niên còn đi chơi đến các bản xa hơn, du xuân đối với các nam thanh, nữ tú không chỉ để thưởng thức hương vị Tết mà còn mục tiêu tìm bạn tình trăm năm. Vì thế, có đám đi miết tận mùng 10 mới chịu về.

Qua “chín bậc tình yêu”, khách bước lên sàn nhà. Gia chủ ra tận cầu thang đón rước và đưa vào gian chính giữa (nọc hóng). Trên những chiếc chiếu hoa mới trải rộng, khách và chủ đưa ra lời chúc năm mới, cùng nhâm nhi chén rượu ngon và uống nước chè mới để cảm nhận hương vị của núi rừng.

Lúc này, trên nhà, dãy lan can quanh nhà bắt đầu diễn ra cảnh gõ sạp mừng khách tới chơi, chúc tết. Tùng... cắc... cắc... rồi đảo lại cắc... cắc... tùng... Ít thì 5, 6, nhiều thì 9, 10 người, phần lớn là nam thanh nữ tú (con cháu trong nhà) giỏi văn nghệ tham gia gõ.

Trong số này, một người điều khiển trống dập, số còn lại, mỗi người cầm một ống tre hoặc nứa ngộ đã cắt bỏ mấu, đứng thành hàng gõ phối hợp. Mỗi lần trống dập, những người cầm ống đồng loạt trổ ống xuống sàn, rồi đập 2 ống vào nhau, xen kẽ với âm thanh của trống. Dưới sàn nhà lại một tốp khác tiến hành khắc luống, nhảy múa theo nhịp luống, cồng, chiêng.

Giữa trống và ống sạp, điệu luống phối hợp liên hoàn đều, đúng nhịp. Sự chuyển động của âm thanh tạo nên không khí trong nhà vừa sôi động vừa gây hưng phấn cho người khách. Màn đón khách từ màn gõ sạp, khắc luống độc đáo này kéo dài tới 15 phút. Khi người nhà bưng cỗ ra, khách đã đông đủ quanh mâm, tiếng gõ sạp mới dừng lại.

Sau khi tiệc tàn, màn xòe, múa lăm vông quanh chum rượu cần cũng bắt đầu. Các cô gái tươi tắn, khăn piêu rực rỡ hoa văn, thắt lưng xanh đỏ, áo còm cúc bạc, họ chia nhau tản ra mời khách cùng xòe hoặc múa lăm vông. Vui Tết, không ai từ chối. Kết thúc, khách cảm ơn gia chủ, chúc gia chủ một năm phát đạt, sau đó bước xuống cầu thang, nam thanh nữ tú lại một lần nữa thay nhau cầm những chai rượu, tiếp tục đứng ở lan can rót mời chia tay.

Phong tục đón Tết của các nhóm Thái ở các vùng khác có thể là không giống nhau hoàn toàn, nhưng đều có một điểm chung là trong những ngày đầu năm mới, mọi người đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với hàng xóm láng giềng, bạn bè và người thân trong gia đình. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi, thân tình trong không khí ấm áp của mùa Xuân. Ai cũng sợ to tiếng sẽ bị “dông” cả năm.

Đón Tết, mừng Xuân cho dù có khác nhau ở tục lệ nhưng lại đều gặp nhau ở tinh thần nhân văn, ở khát vọng ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng.

Sôi nổi các hoạt động văn hóa dân gian đón Tết tại Huế Sôi nổi các hoạt động văn hóa dân gian đón Tết tại Huế Lễ hội chó cưng chào mừng tết Mậu Tuất tại Singapore Lễ hội chó cưng chào mừng tết Mậu Tuất tại Singapore Mâm cỗ Tết thời @ Mâm cỗ Tết thời @

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước