Ngày 7/5/1959, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn cán bộ của Trung ương đã về thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo tại Sơn La. Người đã để lại muôn vàn tình cảm thương yêu trong lòng đồng bào các dân tộc nơi đây.
Theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, hàng nghìn chiến sĩ bộ đội và thanh niên các tỉnh phía Bắc đã lên với Tây Bắc để xây dựng Nông trường Mộc Châu. Từ một vùng đất hoang sơ, cuộc sống người dân nghèo khó, thị trấn Nông trường Mộc Châu giờ đây đã trở nên sầm uất, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, cuộc sống của người dân ngày càng no ấm. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, năng động trong phát triển kinh tế - xã hội của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân và người dân Nông trường Mộc Châu suốt những năm qua.
Những ngày tháng 5, trong cơn mưa đầu hạ, chúng tôi được gặp gỡ ông Nguyễn Xuân Bình, sinh năm 1932, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 280, Sư đoàn 335, hiện đang sinh sống tại Tiểu khu 40, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Năm nay đã 88 tuổi, nhưng khi kể về kỷ niệm được gặp Bác Hồ, giọng ông Bình vẫn rất hào sảng. Ông kể, năm 1958, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Lào, được lệnh của Quân uỷ Trung ương, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 chuyển đến xây dựng nông trường quân đội với nhiệm vụ: "Xây dựng cao nguyên Mộc Châu thành vùng giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về quốc phòng".
"Khi Bác Hồ về thăm Nông trường, tôi có nhiệm vụ lái xe. Dù rất muốn được đứng gần Bác nhưng cán bộ chiến sĩ chúng tôi không được vào, phải nghiêm túc. Tuy vậy tôi cũng đã rất cảm động vì được thấy Bác Hồ cả ngày. Bác động viên thăm hỏi chúng tôi yên tâm ở lại xây dựng Tây Bắc, lấy Nông trường làm nhà, lấy Tây Bắc làm quê hương. Đến nay có nhiều người ngoài 60 tuổi rồi vẫn sinh sống ở đây, nhiều kỹ sư, bác sĩ tại Nông trường Mộc Châu đã trưởng thành." – ông Bình tự hào chia sẻ.
Ông Bình rất vui và chia sẻ những bức ảnh chụp cùng Bác.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Đức Vinh, tiểu khu 40. Ông Vinh là một trong số gần 1.700 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 tình nguyện ở lại cao nguyên để xây dựng Nông trường quân đội, tiền thân của thị trấn Nông trường Mộc Châu ngày nay. Dù đã bước sang tuổi 88 nhưng ông Vinh vẫn còn minh mẫn và nhớ như in ngày làm Chiến sĩ đại đội bách hóa, làm thợ may, và gặp Bác Hồ trực tiếp tại xưởng may ngày 8/5/1959. Ông bồi hồi kể lại: "Bác có để lại một bút tích vừa là động viên vừa là chỉ thị, chúng tôi lấy đó là phương châm để xây dựng Nông trường, đó là lời Bác giao chứ không phải đơn giản. Là người chiến sĩ, là người lính của Bác Hồ cho nên mình phải làm theo lời Bác. Không phải chỗ nào cũng được gặp Bác như thế này đâu, đây là một dịp hiếm có. Chúng tôi động viên nhau an tâm xây dựng phong trào gắn với lời Bác dạy."
Thực hiện lời Bác dặn, chỉ trong 5 năm đầu thành lập, sau khi làm lễ hạ sao chuyển từ bộ đội chủ lực sang làm kinh tế, nông trường quốc doanh Mộc Châu đã khai phá được hàng nghìn héc-ta đất để trồng chè, cây lương thực, cải tạo đồng cỏ để chăn nuôi bò. Nông trường thành lập 31 đội sản xuất, một nông trường bộ, 12 phòng, ban. Tiếp theo các năm sau đó, Nông trường Mộc Châu có bước chuyển đổi, phát triển phù hợp với thực tiễn. Nhưng dù trải qua giai đoạn nào, hình thức gì thì truyền thống nông trường quân đội vẫn được phát huy theo lời căn dặn năm xưa của Bác.
Công ty chè Mộc Châu sau khi cổ phần hóa giờ đây đã trở thành một thành viên của Vina Tea, Tổng Công ty chè Việt Nam. Cho tới nay, đã có rất nhiều giống mới được đưa vào sản xuất, nhiều sản phẩm trà từ Mộc Châu đã đi khắp thế giới, các dòng chè như: ô long, trà đen được sản xuất trên tiêu chuẩn và giá trị cao hơn trước nhiều.
Cao nguyên Mộc Châu được phủ xanh bởi những đồi chè.
Còn Mộc Châu Milk giờ đây đã trở thành một thương hiệu quen thuộc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Nông trường hiện nuôi 25 nghìn con bò, bình quân năng suất sữa 25,18 kg/con/ngày, một héc-ta đồng cỏ cho thu nhập hơn một tỷ đồng. Với mô hình gần 600 trang trại hộ nuôi bò là vệ tinh cung cấp nguyên liệu sữa, sản lượng sữa đến nay đạt 42.500 tấn/năm. Thương hiệu Mộc Châu Milk đã trở thành thương hiệu quốc gia.
Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu cho biết: "Hiện nay công ty đang tập trung để làm tốt công tác đảm bảo môi trường, đặc biệt là môi trường chăn nuôi. Qua đó xây dựng mô hình trang trại kết hợp với du lịch trong chuỗi du lịch Quốc gia Mộc Châu, thu hút du khách trải nghiệm về nông nghiệp, công nghiệp cao".
Đồng cỏ xanh mướt để chăn nuôi bò sữa.
Trải qua những lần chia tách địa giới hành chính, đến nay huyện Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên là 1.072,09 km2, với 12 dân tộc anh em chung sống. 65 năm qua, lời Bác dặn ngày về thăm đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Xưa Mộc Châu là ngọn cờ đầu của phong trào thi đua sản xuất Xã hội chủ nghĩa, thì nay Mộc Châu đang trở thành một thị xã trẻ, là thảo nguyên xanh đáng sống, là niềm tự hào của tỉnh Sơn La. Mộc Châu không chỉ là "Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu châu Á, mà còn được vinh danh ở cấp cao nhất "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới" vào năm 2023. Đây sẽ là động lực, tạo đà cho Mộc Châu tiến xa hơn trong lĩnh vực du lịch, tiếp tục khai thác phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống, từ đó phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế cảnh quan môi trường, giữ gìn các giá trị, bản sắc văn hóa, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên vùng đất Tây Bắc xinh đẹp này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!