Đừng chủ quan với thủy đậu

Phương Thúy-Thứ ba, ngày 22/05/2012 13:00 GMT+7

Tuy thủy đậu là bệnh lành tính nhưng vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan… thậm chí có thể gây tử vong.

Những ngày này đang là mùa thủy đậu ở các tỉnh phía Nam. Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, tuy năm nay số bệnh nhi mắc thủy đậu không tăng đột biến như một số bệnh khác nhưng số lượng bệnh nhân nhập viện đều đặn.

Theo các bác sĩ, bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh trái rạ thường khởi phát với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ. Tuy nhiên, một số em bé mắc thủy đậu không xuất hiện triệu chứng này. Vì thế chỉ có thể nhận biết mắc bệnh thủy đậu khi cơ thể xuất hiện những “nốt rạ”. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ, rồi sẽ tiến triển thành những mụn nước.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh này do virus Varicella Zoster gây ra và thường xuất hiện các bóng nước. Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100- 500 nốt.
Trong trường hợp bình thường, những mụn nước này thường kéo dài khoảng 5-10 ngày rồi khô đi, đóng vảy và tự khỏi trong 4-5 ngày tiếp theo.
Cũng theo các bác sĩ, tuy thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan... Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Thủy đậu cũng là bệnh có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai khi người mẹ đang mang thai mắc bệnh thủy đậu và có thể để lại dị tật bẩm sinh cho em bé khi sinh ra.
Theo thống kê của ngành y tế, khoảng 90% những người chưa từng bị thủy đậu thì sẽ bị lây bệnh nếu có tiếp xúc trực tiếp với một người nhiễm bệnh.
Bác sĩ Khanh cho biết, bệnh thủy đậu xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở trẻ dưới 10 tuổi. Do đặc điểm dễ lây lan qua đường hô hấp nên trường học, nhà trẻ… là những nơi thuận lợi dễ làm bùng phát dịch thủy đậu.
Để chủ động phòng ngừa, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi chủng ngừa trước khi con bị lây nhiễm trong trường học. Sau khi tiêm, cơ thể cần 3 tuần để tạo ra kháng thể ngừa bệnh, vì vậy nên chủng ngừa cho trẻ trước khi dịch xảy ra. Điều này không chỉ ngăn chặn bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng mà giúp trẻ không phải nghỉ học khi nhiễm bệnh và để lại sẹo cho trẻ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước