Chú gấu robot này là tác phẩm của nhà khoa học Yeow Tân Kee thuộc Viện nghiên cứu Infocomm, Singapore.
Được trang bị một webcam trên trán, chú gấu robot này có khả năng đọc những biểu hiện cảm xúc của bạn như cười, chau mày và khóc. Ngoài ra chú gấu được lập trình để phản ứng lại trước những tín hiệu thị giác và tác động của con người như vuốt ve, thông qua một micro được đặt dưới lông.
Với mục đích giúp đỡ những người cao tuổi không còn gia đình bên cạnh và phải sống tại các nhà dưỡng lão, anh Tan đã lên ý tưởng thiết kế và chế tạo chú gấu robot này cách đây sáu tháng với khoản ngân sách trị giá 1.630 USD.
Anh Tan Yeow Kee cho biết: “Những nơi như bệnh viện không cho phép nuôi các vật nuôi. Những người bị bệnh hen hay dị ứng với động vật, họ không thể tiếp xúc với các con vật thật. Vì vậy, những gì chúng tôi đang cố gắng làm là tạo ra một loại lông kháng khuẩn cho robot, chúng sẽ không hề bị rụng lông”.
Theo bác sĩ vật lý trị liệu của trung tâm Villa Francis, sự tương tác với chú gấu robot này sẽ rất quan trọng với người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh Alzheimer.
Chị Janaki Priya - bác sĩ vật lý trị liệu của trung tâm Villa Francis nói: “Họ thực sự cần một người bạn đồng hành luôn ở bên cạnh họ, lắng nghe họ và chỉ thỉnh thoảng biểu lộ cảm xúc chứ không cần phải quá linh hoạt. Theo tôi họ sẽ thích kết bạn với chú gấu này hơn chúng tôi, bởi vì họ coi chúng giống như một con vật nuôi”.
Bà Joan Hoffner - một người sống tại nhà dưỡng lão Villa Francis chia sẻ: “Chú gấu rất đang yêu, thông minh, khi tôi vuốt ve nó và trò chuyện với nó, nó cũng đáp lại tôi. Tôi muốn có một chú gấu như thế cho riêng mình”.
Hiện anh Tan đang kêu gọi sự tài trợ của các nhà hảo tâm và các bệnh viện tại Singapore để đưa gấu robot vào sản xuất với quy mô lớn.