Huyện Cầu Kè là vùng đất trù phú nhất tỉnh Trà Vinh, nhờ được phù sa của dòng sông Hậu bồi đắp cho cây trái xanh tốt quanh năm, nên trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản của tỉnh Trà Vinh, với nhiều loại như: sầu riêng, măng cụt, chôm chôm…. Đặc biệt nhất là dừa sáp, loại quả đứng ở “ngôi vị” cao nhất trong tất cả các loại trái cây đặc sản của địa phương.
Đối với bà con trồng dừa thì việc chăm sóc hàng ngày tương đối nhẹ nhàng hơn so với một số loại cây trồng khác. Tuy nhiên, họ vẫn phải đảm bảo việc tưới nước, làm cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh....
Dừa sáp là đặc sản nức tiếng của Trà Vinh (Ảnh: TTXVN)
Bà con nông dân cho biết cây dừa sáp nguyên bản rất khó trồng. Nhờ đặc tính khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp nên dừa trồng ở Cầu Kè vẫn có sáp, với tỷ lệ từ 20 - 30%. Tuy nhiên đó là câu chuyện của quá khứ. Tỷ lệ trái sáp hiện nay đã có thể đạt đến 90% nhờ công nghệ nuôi cấy phôi.
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 100 năm cây dừa sáp bén rễ tại huyện Cầu Kè. Từ vài hộ ban đầu, đến nay đã có hơn 2.000 hộ gắn bó với loại cây này, trong đó 70% là đồng bào dân tộc Khmer.
Tỉnh Trà Vinh trở thành “thủ phủ dừa sáp” của cả nước bởi loài dừa này rất kén thổ nhưỡng và hiếm quả, rất khó cho quả sáp ở những vùng đất khác.
Hành trình 100 năm bén duyên của trái dừa sáp trên đất Trà Vinh chắc chắn sẽ còn được tiếp nối.
Dừa sáp nuôi cấy phôi vẫn giữ nguyên những đặc điểm quý giá như cơm dừa dày, mềm dẻo và hương vị béo ngậy đặc trưng. Đây là một bước tiến quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho bà con nông dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!