Mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy, trống ếch.... từng là những món đồ chơi dân gian gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam vào mỗi dịp tết Trung thu. Ấy vậy mà khi cuộc sống ngày càng phát triển, các món đồ chơi hiện đại dần dần lấn át những món đồ chơi truyền thống. Đã có thời gian thế hệ trẻ quên đi những món đồ chơi truyền thống mang nhiều ý nghĩa về văn hoá, lịch sử. Mặt nạ giấy bồi cũng không thoát khỏi vòng xoáy đó.
Đi vào căn nhà nhỏ trên tầng 2 của một khu tập thể ở phố Hàng Than tôi gặp ông Nguyễn Văn Hoà (69 tuổi), cùng vợ của mình là bà Đặng Hương Lan (64 tuổi). Hai vợ chồng ông bà là nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi cuối cùng tại phố cổ Hà Nội.
Hôm nay, bà Lan đang chuẩn bị gian hàng mặt nạ giấy bồi của gia đình ở phố Hàng Lược để bán phục vụ du khách đi chơi tham quan. Ở nhà chỉ còn ông Hoà đang chăm chú, tỉ mỉ hoàn thiện nốt những chiếc mặt nạ cuối cùng phục vụ mùa Trung thu năm nay.
Ông Nguyễn Văn Hòa đang tập trung những nét vẽ để hoàn thiện một chiếc mặt nạ giấy bồi
"Xưởng" sản xuất mặt nạ giấy bồi của vợ chồng ông Hoà chỉ rộng chừng 20m2
Ông Hoà cho biết tất cả những chiếc mặt nạ gia đình ông sản xuất đều là thủ công bằng tay 100%, từ khâu tạo khuôn, bồi thô, bồi giấy, tô sơn tạo hình dáng cho mặt nạ. Trông một chiếc mặt nạ thì rất đơn giản nhưng thực tế để làm ra nó lại rất công phu, tỉ mỉ đòi hỏi người nghệ nhân phải có tính kiên trì.
Khuôn xi măng do ông Hoà tự chế tạo, tính đến nay gia đình ông đã có gần 30 khuôn mẫu để sản xuất mặt nạ
Một ngày gia đình ông Hoà chỉ có thể sản xuất 5-7 chiếc mặt nạ, ông chia sẻ: “Để giữ được giá trị của mặt nạ giấy bồi thủ công, gia đình tôi làm hoàn toàn bằng tay 100%, như vậy mới tạo ra sự khác biệt với các loại mặt nạ giấy bồi trôi nổi trên thị trường. Mặt nạ do tôi sản xuất lúc nào cũng có độ mịn của giấy kể cả với những mẫu mặt nạ có nhiều góc cạnh, đường nét vẽ cũng rõ ràng chi tiết"
Làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi có rất nhiều công đoạn, nguyên liệu thì rất đơn giản, đầu tiên phải nấu hồ từ bột sắn củ và nước lã, khi nào bột chín sẽ chuyển từ màu trắng sang hơi ngả vàng. Người nghệ nhân sẽ đặt một lớp giấy A4 vào khuôn, tiếp đến là một lớp giấy bìa , sau cùng là lớp giấy nhám được xé nhỏ, ở giữa các lớp giấy được bồi một lớp hồ mỏng chính vì vậy mà được gọi là mặt nạ giấy bồi. Sau công đoạn bồi giấy thô, những chiếc mặt nạ cốt trắng sẽ được phơi khô rồi mới được tô vẽ lên những màu sắc tạo nên hình dáng của mặt nạ.
Thời gian làm cốt trắng là lâu nhất, những khuôn có nhiều ngách, nhiều lồi lõm làm càng lâu, để bồi xong một chiếc mặt nạ từ trong khuôn ra người nghệ nhân phải làm trong thời gian từ 20-30 phút.
Những chiếc mặt nạ cốt trắng được phơi từ 1-2 ngày cho thật khô.
Sau khi cốt trắng khô người nghệ nhân bắt đầu công đoạn tô vẽ tạo hình cho mặt nạ
Với mặt nạ truyền thống màu sắc để vẽ cũng rất đơn giản, chỉ có vài màu cơ bản như xanh, đỏ, đen, trắng và màu vàng
Trung bình một mùa tết Trung thu gia đình ông Hoà sản xuất từ 2000 đến 3000 chiếc mặt nạ. Mỗi chiếc bán ra thị trường với giá từ 30.000VNĐ - 45.000VNĐ
Bà Đặng Hương Lan với gian hàng nhỏ của gia đình ở phố Hàng Lược. Có nhiều bạn trẻ quan tâm tới mặt nạ giấy bồi, đa phần các bạn rất tò mò về cách làm ra một chiếc mặt nạ.
Theo quan sát của phóng viên thì gian hàng của gia đình ông Hoà, bà Lan là gian hàng có nhiều mẫu mặt nạ giấy bồi nhất, các gian hàng khác chỉ có 7-8 mẫu.
Các loại mặt nạ có nhiều chi tiết, gấp khúc như hình đầu trâu, hình sư tử, hình hổ... là những loại khó làm nhất
Mặt nạ "Thị nở", một nhân vật nổi tiếng trong văn học dân gian Việt Nam
Bà Đặng Hương Lan hóm hỉnh nói với tôi rằng:" Mình làm vì sự đam mê, cứ còn sức khoẻ là mình làm, không nghĩ gì đến tuổi tác, không nghĩ gì đến lợi nhuận"
Chính vì sự tỉ mỉ, công phu trong quá trình làm trong khi không đem lại hiệu quả kinh tế cao mà hầu hết các gia đình làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội đều đã bỏ nghề. Còn với gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa và Đặng Hương Lan, việc giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi không phải chỉ vì mục đích kinh tế mà đó như một sứ mệnh giữ lại hồn cốt của một nghề truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!