"Giải mã cuộc sống": Bí quyết nghề "bảo mẫu" cho hổ

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo)-Thứ năm, ngày 24/08/2023 10:59 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù hổ là nỗi khiếp sợ của muôn loài nhưng vẫn có những con người bất chấp hiểm nguy, luôn bên cạnh nuôi dưỡng và chăm sóc chúng.

Vườn thú Hà Nội là nơi đang chăm sóc, nuôi dưỡng và trưng bày hàng trăm loài động vật khác nhau, từ động vật ăn cỏ hiền lành, các loài chim đến các loài động vật ăn thịt như cá sấu, đại bàng, mèo rừng, sư tử và đặc biệt là loài hổ - Chúa tể sơn lâm. Mặc dù hổ là nỗi khiếp sợ của muôn loài nhưng vẫn có những con người bất chấp hiểm nguy, luôn bên cạnh nuôi dưỡng và chăm sóc chúng. Đây cũng là công việc của những "bảo mẫu" cho các loài động vật hung dữ này.

Tại vườn thú Hà Nội, chị Trần Thị Ngọc được đồng nghiệp ở tổ Chăn nuôi thú dữ, Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật số 1 gọi vui là "bảo mẫu của hổ". Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi hàng ngày chị luôn tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc cho hai chú hổ Bống và Bi khi mới được 4 tháng tuổi. Đây là 2 chú hổ con thuộc phân loài hổ Amur.

Giải mã cuộc sống: Bí quyết nghề bảo mẫu cho hổ - Ảnh 1.

Sau gần 4 năm nuôi dưỡng, đến nay, cả hai chú hổ đã trưởng thành khỏe mạnh, mỗi con nặng đến hàng trăm kilogram. Mỗi khi chị Ngọc tiến đến gần lồng nuôi nhốt, cả Bống và Bi đều tỏ ra thân thiết, rối rít bày tỏ tình cảm.

Ngày làm việc của "bảo mẫu" bắt đầu từ 8h sáng. Công việc đầu tiên là đi một vòng quan sát sư tử, gấu, báo, hổ và những loài thú dữ trong khu vực mình quản lý. Chị Ngọc gọi công việc này là "chào buổi sáng người thân". Đây là công việc không chỉ đòi hỏi sự quan sát tỉ mỉ, cẩn trọng từ ngoại hình, hoạt động ăn uống đến các chất thải của con vật trong từng chuồng mà còn phải thực sự hiểu rõ các thói quen của từng con thú mà mình chăm sóc. Có như vậy mới phát hiện được những thay đổi dù nhỏ nhất, từ đó sớm phát hiện những điều bất thường về sức khỏe của các con thú để kịp thời có biện pháp xử lý.

Trong tự nhiên, hổ là loài thú hoang dã không thể thuần hóa và cực kỳ nguy hiểm. Vườn thú Hà Nội là một cơ sở bảo tồn các loài động vật hoang dã quan trọng của Việt Nam, nơi các loài bị đe dọa được chăm sóc và bảo vệ. Trong đó, loài hổ có 16 cá thể, tất cả đều được chăm sóc cẩn thận và chuyên nghiệp. 

Giải mã cuộc sống: Bí quyết nghề bảo mẫu cho hổ - Ảnh 2.

Hàng chục năm gắn bó với gấu, báo và đặc biệt là loài hổ nên chị Ngọc am hiểu rất rõ về tính cách của từng con thú. Để có thể tiếp xúc gần gũi, thậm chí vuốt đầu, cưng nựng, nói chuyện với những con hổ dữ nguy hiểm này, chị Ngọc đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết. Tuy nhiên, với chị, bí quyết quan trọng nhất chính là phải hết lòng yêu quý, thậm chí coi chúng như những đứa con của mình.

Theo các nhà sinh học, thú ăn thịt rất thông minh. Nếu con người sống gần gũi, tình cảm với các con thú, chúng cũng sẽ coi con người là bạn. Chính vì gắn bó lâu năm, chị Ngọc và các đồng nghiệp ở tổ Chăn nuôi thú dữ, Xí nghiệp Chăn nuôi và phát triển động vật số 1 mới có cảm giác thân thiết và an toàn trước các con thú.

Chế độ ăn cho các loài động vật ăn thịt cũng vô cùng đồ sộ. Mỗi ngày, từ sáng sớm, đội chế biến thức ăn cho động vật tại vườn thú Hà Nội đều vô cùng sôi động. Hơn 3 tấn thức ăn từ các loại rau củ, hoa quả, các loại hạt đến thịt gà, thịt lợn, cá, tôm... sau khi mua về được các cán bộ, nhân viên của 4 bộ phận khác nhau cùng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và chất lượng một cách kĩ lưỡng.

Giải mã cuộc sống: Bí quyết nghề bảo mẫu cho hổ - Ảnh 3.

Sau khi tiến hành kiểm tra, tất cả các loại thực phẩm sẽ được lấy mẫu và lưu mẫu. Trong trường hợp động vật có vấn đề về sức khỏe mà nghi ngờ do thức ăn gây ra, cán bộ y tế sẽ mang mẫu thức ăn lưu trữ này đi xét nghiệm để phát hiện nguyên nhân và đưa ra hướng chữa trị cho các con thú.

Đối với khu chăn nuôi thú dữ như hổ, sư tử, thực phẩm là thịt bò, gà, sườn lợn, thịt sống. Mỗi ngày cho ăn một bữa, vào lúc 10-11h. Mỗi con thú nhận được khoảng 6,5kg thức ăn tùy theo thể trạng và sức khỏe của chúng. Chính vì chế độ ăn khoa học, hợp lý và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên hầu hết những con thú nuôi tại đây thường có sức khỏe tốt và tuổi thọ cao hơn so với ngoài môi trường tự nhiên.

Có thể nói, việc chăm sóc hổ nói riêng và các loài mãnh thú nói chung là một công việc nguy hiểm nhưng cũng hết sức thú vị. Bên cạnh lòng yêu nghề, những cán bộ, nhân viên, kĩ thuật viên của tổ Chăm sóc thú dữ phải có những kĩ năng và bí quyết của riêng mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước