"Giải mã cuộc sống": Cột đá chùa Dạm và những bí ẩn chưa có lời giải đáp

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo)-Thứ tư, ngày 17/05/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải nhưng với giá trị lịch sử của mình, cột đá chùa Dạm xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia.

Chùa Dạm vốn là một ngôi chùa cổ hàng nghìn năm tuổi, được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, còn gọi là núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống nay thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Dạm được biết đến như một đại danh lam thời Lý, có 99 gian bề thế với tổng diện tích khoảng 8400m2.

Trong quá trình khai quật khảo cổ tại chùa Dạm, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều di chỉ chứng tỏ đã có thời gian nơi đây tồn tại những công trình rất lớn của thời Lý. Cuộc khai quật khảo cổ kết thúc năm 2014, song, rất nhiều vấn đề còn để ngỏ và cần lời giải từ các nhà nghiên cứu.

Giải mã cuộc sống: Cột đá chùa Dạm và những bí ẩn chưa có lời giải đáp - Ảnh 1.

Kết quả khai quật thăm dò năm 2009 và 2011, 2012-2014, toàn bộ các dấu tích nền móng kiến trúc trên 4 tầng nền đã được khai quật làm xuất lộ với tổng diện tích 7356m2. Trải qua thời gian, quy mô to lớn, đồ sộ của chùa xưa không còn nữa. Ở cấp nền 2 hiện còn cột đá chạm rồng tinh xảo. Đây là một tác phẩm nguyên gốc của di tích hiện còn mặc dù không còn trọn vẹn. Đó chính là một chứng tích của lịch sử ngàn năm.

Di vật quý nhất của chùa Dạm còn lại này cao 5m không kể phần ngọn đã bị gãy nát. Cột đá được đặt trên một khu đất rộng ngoài khuôn viên nhà chùa. Một mặt tựa lưng vào núi Đại Lãm, một mặt hướng về phía Đông bao quát được cả một khoảng không rộng lớn.

Đây được xem là công trình điêu khắc kì vĩ với nghệ thuật chạm khắc đôi rồng đuôi giao nhau, thân uốn lượn mềm mại quanh cột, đầu rồng nghểnh cao chầu vào viên ngọc đến mức độ tinh xảo. Điều đặc biệt là đôi rồng này được khắc tạc nổi giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc được chạm nổi tinh vi.

Giải mã cuộc sống: Cột đá chùa Dạm và những bí ẩn chưa có lời giải đáp - Ảnh 2.

Những hoa văn tinh xảo trên cột đá chùa Dạm.

Trên thực tế, vẫn còn tồn tại rất nhiều giả thuyết về cột đá này. Song, có lẽ thuyết phục hơn cả vẫn là giả thuyết cho rằng cột đá này gần giống với trụ đỡ của một kiến trúc nào đó như chùa Một Cột. Nhưng câu hỏi đặt ra là ngôi chùa phiên bản ấy đâu? Một cột đá không thể chứng minh là cột trụ của ngôi chùa mà vua Lý Nhân Tông muốn xây dựng.

Có một dấu tích bệ móng tháp khác đặt đối xứng với cột trụ đá chạm rồng ở tầng nền 2 và một dấu tích trơn bóng cùng các mảnh vỡ của một tòa tháp, chất liệu đất nung ở tầng nền 3. Dựa trên các kết quả khảo cổ học, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ quét 3D để phục dựng lại mô hình cột đá chùa Dạm, giúp chúng ta có thể dễ dàng hình dung về kiến trúc này.

Sau 5 năm nghiên cứu, hình ảnh kiến trúc tháp chùa Dạm đã hoàn thành. Đây là công trình kiến trúc lớn thuộc loại kiến trúc tháp có kết cấu một trụ đỡ, các hoa văn trang trí từ trụ đỡ đến đỉnh tháp mang giá trị nghệ thuật cao về điêu khắc thời Lý.

Giải mã cuộc sống: Cột đá chùa Dạm và những bí ẩn chưa có lời giải đáp - Ảnh 3.

Hình ảnh cột đá chùa Dạm được phục dựng 3D.

Như ước lượng của các nhà nghiên cứu, cột rồng đá ngự trên núi Dạm nặng trên 50 tấn. Khối hộp vuông phía dưới cột có tiết diện 1,4m và 1,6 m. Phần tròn phía trên thu nhỏ hơn một chút và có đường kính gần 1,3m. Điểm gây chú ý nhất là phần tròn cũng là của toàn bộ cột trụ đá này chính là tác phẩm điêu khắc rồng đá theo phong cách thời Lý. Chất liệu cột trụ đỡ được làm từ chất liệu đá sa thạch - một loại vật liệu chỉ phổ biến trong điêu khắc Chăm.

Có rất nhiều giả thuyết, nhận định cột đá mang đậm dấu ấn của thợ thủ công người Chăm. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng thợ đá của người Việt cũng có tay nghề điêu luyện và cũng có thể họ chính là tác giả của cột đá này. Những tranh luận, giả thuyết sẽ vẫn còn tiếp tục và cần một lời giải đáp thực thụ cho câu chuyện về cột đá chùa Dạm.

Bên cạnh căn cứ lịch sử và lí giải nguồn gốc của cột đá chùa Dạm, vẫn còn rất nhiều câu hỏi đang bị bỏ ngỏ và cần được giải đáp. Nhưng một điều chắc chắn rằng với những giá trị lịch sử của cột đá chùa Dạm - một kiệt tác mà cha ông đã để lại cho chúng ta, cột đá chùa Dạm xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước