Ngày nay, vai trò về nguồn nước của giếng làng không còn như trước. Nhưng ở các làng quê thuộc đồng bằng Bắc bộ hiện vẫn còn những dấu tích của giếng cổ mà người dẫn vẫn sử dụng để phục vụ đời sống. Như nguồn mạch của văn hóa dân gian, người dân còn gắn cho những chiếc giếng làng những câu chuyện, truyền thuyết, huyền thoại mang tính nhân văn để thể hiện nét văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Từ xa xưa, cây đa, giếng nước, sân đình đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, cây đa cho bóng mát và bầu không khí trong lành, giếng nước cung cấp nước cho mọi người. Theo quan niệm của người Việt xưa, nước biểu trưng cho âm tính, là nguồn sống nên giếng làng chính là cầu nối giữa trời, đất và con người. Trong tổng thể cấu trúc văn hóa tâm linh ở các làng quê, nếu cây đa có thần, chùa có Phật thì giếng nước có thủy thần, có thần mẹ nước.
Ban đầu, giếng là một công trình mang tính dân sinh, cung cấp nguồn nước cho cộng đồng dân cư từ miền ngược đến miền xuôi. Thật khó để khẳng định mốc chính xác của sự ra đời những chiếc giếng làng đầu tiên ở nước ta bởi không có sử liệu nào ghi chép lại. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn còn lưu truyền các giai thoại xung quanh những chiếc giếng làng. Nếu lần theo những dấu vết này, chúng ta có thể có những góc nhìn rất thú vị. Từ đời này qua đời khác, người dân đã gắn cho những chiếc giếng những câu chuyện, truyền thuyết, huyền thoại mang tính nhân văn, thể hiện nét văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Trước Đền Thượng ở Cổ Loa là Giếng Ngọc gắn với chuyện tình Mị Châu. Có tích cho rằng, đem ngọc trai rửa nước Giếng Ngọc thì ngọc sẽ trong và đẹp hơn. Ở vùng Dâu tỉnh Bắc Ninh ngày nay hiện vẫn có giữ được một vực nước rất sâu. Dân gian lưu truyền giai thoại rằng đây là chỗ bà Man Nương cắm cây gậy của sư Khâu Đà La, tạo nên nguồn nước chống hạn cứu dân. Ngày nay, nước giếng này vẫn trong vắt và không bao giờ cạn.
Thực tế, chức năng ban đầu của giếng là để lấy nước sinh hoạt. Qua các giai đoạn, dân gian đã khoác lên chiếc giếng những lớp văn hóa tâm linh. Từ đây, tính thiêng của các giếng làng được hình thành và bồi đắp qua năm tháng. Điển hình như Giếng Ngọc được xem như một vật báu trời ban dành cho người dân vùng làng Diềm, tỉnh Bắc Ninh. Không ai biết Giếng Ngọc có từ bao giờ, bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng bao thế hệ người dân làng Diềm sinh ra đều được nước giếng nuôi dưỡng khôn lớn.
Nước Giếng Ngọc làng Diềm còn gắn với truyền thuyết liên quan đến dân ca quan họ. Được coi là nơi phát tích của dân ca quan họ, nhiều đời nay, người dân làng Diềm và các nghệ nhân quan họ luôn cho rằng nước Giếng Ngọc góp phần tạo nên giọng hát quan họ ngọt ngào, vang, dền, nền, nảy.
Có thể thấy, nguồn nước giếng ban đầu được dùng cho sinh hoạt nhưng dần dần đã được dân gian phủ màu huyền thoại. Nhiều làng quê còn lấy nước giếng để tắm cho tượng Phật, thờ cúng. Đặc biệt, ở những di tích đình, chùa, miếu, lăng tẩm, chúng ta vẫn thường thấy giếng cổ để làm minh đường cho di tích ấy. Do đó, những chiếc giếng này trở thành linh thiêng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!