"Giải mã cuộc sống": Kỳ diệu âm thanh đại phong cầm

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo)-Thứ ba, ngày 17/10/2023 06:01 GMT+7

VTV.vn - Cây đại phong cầm tại nhà thờ lớn Hà Nội là cây đàn độc nhất ở Việt Nam.

Nhà thờ lớn mang đậm nét kiến trúc Pháp cổ từ lâu đã là địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi tới thăm Hà Nội. Bên trong nhà thờ lớn với tuổi đời hơn 135 năm hiện đang lưu giữ, sử dụng một cây đàn có kích thước to lớn như một ngôi nhà, phát ra những thanh âm vô cùng đặc biệt. Hiện đây là cây đàn độc nhất ở Việt Nam, đó là đàn đại phong cầm.

Đại phong cầm được đặt vừa vặn trên gác đàn của nhà thờ lớn Hà Nội. Là một sự ngẫu nhiên nhưng dường như cây đàn sinh ra để được đặt tại vị trí này.

Lịch sử cây đàn độc đáo đại phong cầm

Giải mã cuộc sống: Kỳ diệu âm thanh đại phong cầm - Ảnh 1.

Đại phong cầm là một trong những nhạc cụ cổ nhất của châu Âu. Tiền thần của chiếc đàn này được tạo ra từ thế kỷ III TCN tại Hy Lạp cổ đại. Thời La Mã, một loại đàn tương tự với đại phong cầm được sử dụng trong trận đấu của các đấu sĩ.

Những thế kỷ sau này, đàn ống dần trở nên phát triển và thời kỳ Baroque (XVII-XVIII) là quãng thời gian rực rỡ nhất của loại nhạc cụ này. Những cây đàn đại phong cầm có thể nói là nguy nga, tráng lệ không đơn thuần là một dụng cụ chơi nhạc mà nó còn là một vật trang trí quan trọng tại các nhà thờ, các thánh đường Thiên Chúa hay những phòng hòa nhạc lớn. Đây được coi là cỗ máy âm nhạc phức tạp nhất thế giới do con người sáng tạo ra.

Đại phong cầm và những thanh âm riêng biệt

Giải mã cuộc sống: Kỳ diệu âm thanh đại phong cầm - Ảnh 2.

Mặc dù ra đời từ cách đây nhiều thế kỷ, song, để nói về nguyên lý hoạt động của cây đàn cũng hết sức đáng kinh ngạc. Khi các nhạc công chơi đàn, nhiều người sẽ tưởng rằng cây đàn có nguyên lý hoạt động gần giống với đàn piano. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy.

Piano là loại đàn được xếp vào bộ gõ bởi lẽ khi bấm một phím đàn, một chiếc búa nhỏ sẽ gõ vào những sợi dây thép được căng ra tạo thành tiếng nhạc. Đàn đại phong cầm không giống như vậy. Khi người chơi nhấn phím đàn hay đạp chân, một hệ thống chuyển động vô cùng phức tạp nhưng lại rất nhịp nhàng sẽ giúp đẩy khí qua các ống kim loại to, nhỏ tùy theo kích cỡ tương ứng với từng nốt.

Cơ chế nén áp suất khí để tạo ra âm thanh của cây đại phong cầm cũng giống với sáo nhưng ở đây là vô cùng nhiều cây sáo với kích thước từ siêu nhỏ đến siêu lớn.

Cây đại phong cầm của nhà thờ lớn Hà Nội có 27 thanh kéo với 1.517 ống lớn nhỏ khác nhau. Ống lớn nhất dài hơn 3m, ống nhỏ nhất chỉ 10mm mô phỏng những thanh âm khi thì nhẹ nhàng, lúc lại âm vang, trầm hùng. Có thể nói, nếu được trực tiếp nghe tiếng nhạc phát ra từ cây đại phong cầm này, ta sẽ cảm nhận được những thanh âm như chạm đến tận sâu thẳm tâm hồn với đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Giải mã cuộc sống: Kỳ diệu âm thanh đại phong cầm - Ảnh 3.

Cây đại phong cầm tại nhà thờ lớn Hà Nội.

Đại phong cầm trong các dàn nhạc thính phòng là một loại nhạc cụ có kích thước lớn với nhiều ống kim loại. Ta chỉ có thể thấy một phần nhỏ còn phần lớn với hàng nghìn các ống khác lại nằm ở phía bên trong của cây đàn như một khu rừng.

Sẽ thật kinh ngạc nếu biết rằng cây đàn ống lớn nhất thế giới được đặt tại Boardwalk Hall thuộc thành phố Atlantic.(Mỹ) có đến 7 bàn phím, điều khiển hơn 33.000 ống kim loại khác nhau có thể tạo ra âm vang có thể tạo ra âm vang to gấp 6 lần tiếng còi tàu to nhất.

Đại phong cầm ở nhà thờ lớn Hà Nội

Giải mã cuộc sống: Kỳ diệu âm thanh đại phong cầm - Ảnh 4.

Có mặt tại nhà thờ lớn Hà Nội khoảng một năm trước, tuy nhiên, cây đại phong cầm nơi đây đã có tuổi đời hơn 30 năm. Cây đàn có chiều cao 7m, rộng 6,5m, dày 4m và nặng 9 tấn được chế tác bởi nghệ nhân người Bỉ Schumacher.

Tuy nhiên, một biến cố lớn đã xảy đến với cây đàn. Trải qua trận động đất Kobe nặng nề vào năm 1995, cây đàn đã bị hư hại nhiều phần. Mặc dù đã được chinh quyền địa phương sửa chữa, trùng tu một số lần nhưng cây đàn vẫn không thể hoạt động hoàn hảo như ban đầu. Chính vì vậy, Tòa Thị chính thành phố Hitami (Nhật Bản) có ý định tặng cây đàn cho một nhà thờ Công Giáo. Hầu hết các nhà thờ Công Giáo tại Nhật đều nhỏ và thấp nên không tương xứng với cây đàn này. Ông Shinichi Mochizumi chính là người mang cây đàn này tới nhà thờ lớn ở Hà Nội.

Giải mã cuộc sống: Kỳ diệu âm thanh đại phong cầm - Ảnh 5.

Tất cả linh phụ kiện của cây đàn đều được tháo dỡ cẩn trọng. Cuối tháng 7/2022, cây đại phong cầm đã về tới nhà thờ lớn Hà Nội. Đích thân ông Schumacher - chủ hãng sản xuất đàn - đã cùng các kỹ sư lắp ráp, hiệu chỉnh lại âm thanh, sửa chữa, bổ sung những phần khiếm khuyết để khôi phục trạng thái hoạt động hoàn hảo cho cây đàn. 

Có thể nói, cây đàn đặc biệt này không chỉ mang những giá trị về nghệ thuật mà nó còn là biểu tượng của tình bạn quốc tế và trao đổi giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Nhật Bản cũng như Việt Nam với Vương quốc Bỉ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước