"Giải mã cuộc sống": Ngựa - Hình tượng trong triều Nguyễn

Hà Linh (Theo Ban Khoa Giáo)-Thứ sáu, ngày 15/09/2023 06:08 GMT+7

VTV.vn - Tùy thuộc vào từng giai đoạn thịnh, suy dưới các triều vua Nguyễn mà hình dáng ngựa được điêu khắc khác nhau tại mỗi lăng mộ của vua.

Trong 12 con giáp. ngựa là con vật tồn tại trong đời thực. Ngựa là biểu tượng của sự kiên nhẫn, bền bỉ và đem lại sự may mắn, thành công cho gia chủ. Dưới truyền Nguyễn cũng như những thời đại phong kiến Việt Nam trước đó, ngựa là con vật gần gũi trong đời sống, là phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, lương thực, quân lương, hành quân của quân đội. Ngoài ra, ngựa còn phục vụ trong việc săn bắn do đó hình ảnh con ngựa trở nên gần gũi, thân quen và không thể thiếu trong cuộc sống.

Ngựa xuất hiện trong kiến trúc và trang trí cung đình thời Nguyễn. Ngựa có mặt trong các công trình lăng tẩm của các vị Hoàng đế nhà Nguyễn từ lăng Gia Long tới lăng Khải Định. Do tuân thủ những nguyên tắc chung khi kiến tạo lăng cho các vị Đế vương nên lăng của các vị vua triều Nguyễn luôn có tòa bi đình và bái đình. Bi đình là nhà bia, nơi dựng các tấm bia ca ngợi công đức của chủ nhân còn bái đình là sân chầu dành cho các vị vua lế nhiệm và đình thần, văn võ đến bái lạy trong các dịp lễ của chủ nhân lăng mộ.

Giải mã cuộc sống: Ngựa - Hình tượng trong triều Nguyễn - Ảnh 1.

Bái đình cũng là nơi ngựa góp mặt. Mỗi bái đình đều có hai hàng tượng quan viên văn võ và voi, ngựa hầu chầu. Trong đó, ngựa đứng hàng thứ ba sau quan văn, quan võ. Tại lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Khải Định, ngựa được tạc bằng đá. Nhưng dưới thời Tự Đức, ngựa được đắp nổi bằng vôi vữa. Ngựa ở lăng Đồng Khánh lại được đúc bằng xi măng cốt thép.

Ngựa đá tại lăng Gia Long có hình dáng khỏe, săn chắc, là ngựa chiến vừa trải qua nhiều cuộc chiến tranh, lập nên vương triều Nguyễn. Ngựa đá lăng Minh Mạng có phần to, mập, uy nghi và đường vệ hơn ngựa trong lăng mộ của vua cha Gia Long. Ngựa tại lăng vua Tự Đức thấp bé, qua nhiều lần trùng tu sau này, hình dáng ngựa cũng thay đổi nhiều. Ngựa lăng Thiệu Trị vóc dáng nhỏ, tâm trạng và nét mặt được tác tạo mang dáng vẻ tươi vui, tràn đầy sức lực với những đường nét trạm trổ tinh tế, bay bổng trên đá. Ở lăng Đồng Khánh, ngựa cao gầy, trang trí cầu kỳ, diêm dúa.

Giải mã cuộc sống: Ngựa - Hình tượng trong triều Nguyễn - Ảnh 2.

Hình ảnh ngựa đá tại lăng Gia Long.

Tại lăng Khải Định, trên bốn hàng quan, lính, ngựa, voi chầu thì ngựa đá đứng vị trí thứ hai sau voi, ưu tiên sức mạnh là tượng binh rồi mới đến mã binh. Ngựa đá cùng các hàng quan văn quan võ, lính đứng chầu ở lăng vua Khải Định tạo nên không khí rất trang nghiêm, gợi nhớ khung cảnh xa xưa.

Tùy thuộc vào từng giai đoạn thịnh, suy dưới các triều vua Nguyễn mà hình dáng ngựa mỗi lăng được điêu khắc khác nhau bởi mỗi con ngựa lại như gắn liền với cuộc đời của từng vị vua.

Giải mã cuộc sống: Ngựa - Hình tượng trong triều Nguyễn - Ảnh 3.

Ngựa đá đứng cùng hàng quan văn, quan võ đứng chầu tại lăng vua Khải Định.

Hình tượng ngựa còn được vua Minh Mạng cho khắc trên Cửu Đỉnh tại Thế Tổ Miếu, là sự kết hợp điêu luyện giữa nghệ thuật đúc và chạm nổi đồ đồng của Việt Nam. Sau này, Đỉnh có chạm nổi hình con ngựa được đặt cho vua Tự Đức có tên là Anh Đỉnh. Ngoài hình ảnh ngựa trên Anh Đỉnh còn có xe ngựa tứ mã. Buổi đầu, phương tiện này chỉ dành riêng cho nhà vua, hoàng gia hoặc quan Nhất phẩm, Nhị phẩm.

Hình tượng ngựa còn đi vào thơ ca. Vua Thiệu Trị cũng từng viết bài thơ về ngựa như sau: 

"Những nét bút xanh đỏ khéo léo sao mà lột tả hết

Bốn lớn ba cao cốt cách oai hùng.

Là loại sinh ra trong chín loại nhanh như điện,

Siêu phàm trong tám loại tuấn mã muốn đuổi như gió.

Đồng ý suy tôn là giống ngựa hay ở sông Vị mỗi con ba tiền,

Không kém ngựa hay ở Hoàng Trì có tuấn mã quý".

Giải mã cuộc sống: Ngựa - Hình tượng trong triều Nguyễn - Ảnh 4.

Tại Huế có một địa danh là cửa Thượng Tứ ở phía Đông Nam của kinh thành. Xưa kia có Binh Xá và Mã Khải Sở lần lượt là chỗ ở của ngự lâm quân triều Nguyễn và nơi tá túc của mã binh. 

Mỗi khi vua đi đến Nam Giang, sau kiệu vua do 16 người khiêng là tượng binh và mã binh: voi và ngựa. Có một chi tiết khá thú vị khi nghiên cứu những bức ảnh tư liệu, đó là voi được đi qua cầu Trung Đạo bắc qua Thái Dịch trì tới trước điện Thái Hòa để hộ giá, trong khi ngựa phải đi vòng theo hai con đường ven hồ.

Nói về ngựa của vua thì có rất nhiều loại. Tuy nhiên, trên thực tế, những con ngựa ấy phải là những con tuấn mã được tuyển chọn kĩ càng bởi lẽ ngựa là điều nhắn nhủ gửi tới quân sĩ mà nhiều vị vua triều Nguyễn từng chú trọng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

ngựa

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước