Theo quy định của tiền triều, khi nhà vua nạp thê, thiếp thường sẽ do triều đình quyết định. Vua có thể yêu hoặc không yêu, đôi khi còn không biết mặt người được chọn để tiến cung làm thê, thiếp trong hậu cung của mình.
Chế độ của các cung, bậc chốn hậu cung
Dưới chế độ nhà Nguyễn, các quan có Cửu phẩm thì các bà có Cửu giai - tức chín bậc phi tần như các triều đại phong kiến khác. Người đứng đầu tam cung lục viện gọi là Hoàng quý phi.
Theo lệ thường, chỉ có các quan đại thần mới được đưa con gái tiến cung. Tùy thuộc vào phẩm vị của người cha mà con gái được tuyển vào cấp bậc cao hay thấp trong nội cung. Sự hậu thuẫn của gia tộc cũng chính là nguyên nhân khiến các bà được sủng ái của các bậc Đế vương. Ví như bà Từ Dụ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu - vợ vua Thiệu Trị - là con quan đại thần nên khi mới vào nội cung, bà đã được phong tần. Năm Thiệu Trị thứ 3, bà được phong sách, phong phi. Năm thứ 6, bà được phong làm Hoàng quý phi.
Hi vọng được đổi đời, hi vọng làm rạng danh cả gia tộc, hi vọng một cuộc sống trong nhung lụa, dưới một người trên vạn người nên các cô con gái con quan đều ấp ủ giấc mơ tiến cung, ước mơ một ngày được may mắn làm Mẫu nghi thiên hạ.
Những người con gái sau khi tiến cung sẽ được hưởng chế độ bổng lộc theo quy định của triều đình. Chính sử triều Nguyễn Đại Nam Thực lục và sau là Đại Nam hội điển sự lệ có chép rõ hậu cung triều Nguyễn trải qua nhiều lần cải cách, thay đổi và quy định về trang phục. Chế độ lương bổng của nội cung theo thứ tự của 9 bậc cung, phi như sau:
"Hoàng hậu được ban 2 mũ Cửu long kim ước phát bằng vàng; một mũ Cửu phượng có kẹp tóc bằng vàng; 8 trâm cài hình con phượng; 20 chiếc áo sa kép sợi vàng thêu rồng, phượng, chim trĩ, chim loan; một áo bào bằng tơ đậu 8 sợi màu đỏ thêu rồng phượng; một xiêm bằng tơ đậu 8 sợi màu trắng thêu rồng phượng.
Tất cả áo, mũ, xiêm y, hài ủng của Vua đến phi tần, cung giai. tùy theo thứ bậc mà đính vàng bạc, trân châu nhiều hay ít nhưng cái nào cũng có.
Về lương thưởng, Hoàng quý phi được thưởng cao nhất: 1000 quan tiền, 300 phương gạo. 9 bậc phi tần từ Nhất cho đến Chín nhận tiền và gạo thấp dần".
Tùy theo thứ bậc cao thấp trong hậu cung cũng phân định nơi ăn, chốn ở của hậu phi. Hoàng quý phi ở tại điện Cao Minh. Đây là chính điện của cung Khôn Thái, nằm ngay đằng sau điện Càn Thành - tẩm điện của Hoàng đế. Các bậc nhất, nhị giai phi ở tại điện Trinh Minh. Điện này nằm ở phía Đông điện Càn Thành. Các bậc tam, tứ, ngũ giai tần ở tại viện Thuận Huy,, nằm về phía Đông cung Khôn Thái. Từ lục giai tiệp dư đến cửu giai tài nhân chia nhau ở tại 3 viện ở phía Tây Bắc cung Khôn Thái: Đoan Tường, Đoan Thuận và Đoan Hòa.
Các cung nhân chưa được sắc phong, thị nữ hầu hạ, thái giám thì chia nhau ở tại 2 viện Đoan Huy và Đoan Trang. Viện Đoan Trang cũng là nơi dạy lễ nghi cung đình cho các cung nhân mới nhập cung. Khi mới được vào trong Tử Cấm Thành, họ phải tập trung hàng ngày ở Đoan Trang viện để học phép tắc, luật lệ, nghệ thuật xử thế, các điều cấm kỵ hoặc nghệ thuật phục vụ vua, cách ăn nói, đi đứng.
Sự khắc nghiệt bên trong hậu cung
Khi chuyển đến Tử Cấm Thành, việc duy trì diện mạo của cung phi phải tuân theo một vài quy định. Cung phi không được mặc trang phục có màu đen và màu trắng. Mỗi sáng họ đều diện áo rộng, chiết khăn đi thỉnh an vua. Ngoài ra, theo quy định, các bà còn phải nhuộm răng đen, để móng tay dài, tóc rẽ ngôi giữa. Về giao tiếp, họ tuyệt đối không được sử dụng những câu từ mang nghĩa thô tục, điểm gở như câm, điếc, bệnh, đau, đui, què... Đặc biệt, có khá nhiều từ cấm kỵ không được nhắc đến, nếu gọi nhầm có thể mang trọng tội.
Nữ giới trong bức tranh toàn cảnh về hậu cung đã được Michel Đức Chaigneau - con trai một vị đại quan người Pháp - phục vụ dưới triều vua Gia Long đã có cơ hội yết kiến vua và hoàng hậu tổng kết lại trong cuốn hồi ký của mình bằng những lời bộc bạch khôi hài của hoàng đế Gia Long với những vị quan phụng sự ông như sau:
"Ông tưởng rằng sau khi bãi triều và giải quyết các công việc chính trị, hành chính trong ngày là công việc của tôi đã xong và có thể nghỉ ngơi trong hậu cung sao? Ở đây tôi thích thú vì được nói chuyện với những người hiểu biết, biết nghe lời tôi... còn vào trong ấy, tôi gặp phải những con quỷ dữ. Chúng gây lộn với nhau rồi cùng kéo nhau tất cả đến tôi phán xử. Nếu tôi làm đúng thì phải trị tội tất cả vì tôi không biết trong bọn chúng đứa nào độc ác hơn đứa nào...
Các phi tần ở đây hầu hết là con quan. Nếu tôi bỏ bê một nàng nào thì ngay lập tức cô ta sẽ phàn nàn với cha mình".
Qua lời tâm sự của vua Gia Long, chúng ta thấy không chỉ các bà, các cô mà thân phụ của họ cũng tìm mọi cơ hội để tiếp cận nhà vua, đưa con gái tiến cung. Bởi vậy trong lịch sử hậu cung triều Nguyễn cũng có rất nhiều câu chuyện thương tâm.
Nhà vua, các hậu phi, công chúa, hoàng tử hay kể cả cung nữ có thể giải khuây, hóng mát, xem hoa ở vườn Thương Uyển, sáng tác thơ ca, đọc truyện hoặc xem tuồng cùng nhà vua trong các kì đại lễ. Tuồng cổ chính là bộ môn nghệ thuật được các vị vua triều đại Nguyễn đặc biệt ưa thích. Bởi vậy dưới triều Nguyễn, tuồng đã được biểu diện trong nhà hát ở Đại Nội.
Vua Tự Đức là một vị vua yêu thích thơ văn, mê tuồng nên ông đã cho lập ra một ban hiệu thơ ở Huế là ban chuyên sáng tác tuồng do chính vua Tự Đức làm chủ. Nhà hát Khiêm Minh Đường tại Khiêm Cung cũng chính là nhà hát Hoàng cung, nơi vua tới nghỉ ngơi mỗi dịp mùa hè hay đi thăm lăng mộ Tiên đế mỗi dịp thanh minh. Lúc này, các cung phi đều được xuất cung cùng bá quan văn, võ theo hầu vua, nghe tấu nhạc và xem diễn tuồng.
Tuồng là bộ môn nghệ thuật được yêu thích trong thời đại nhà Nguyễn, đặc biệt là dưới thời vua Tự Đức.
Khi vua tạ thế, các bà phải rời Nội cung, lên lăng tẩm để lo việc thờ phụng, nhang khói cho nhà vua. Trong số đó, có bà mới 17, 18 tuổi. Người được vua sủng ái thì nhận tột đỉnh vinh quang, hạnh phúc nhưng cũng có những người mang nỗi buồn cô đơn, không thể than thở cùng ai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!