Trong tâm thức mỗi người dân Việt, mỗi nén nhang trầm khi đốt lên sẽ tạo ra cầu nối vô hình giữa hai thế giới: hiện tại - tâm linh. Việt Nam cũng là đất nước coi trọng đời sống tâm linh, chính vì vậy nghề làm hương trầm cũng gắn liền với đời sống làng xã, đời sống tâm linh ngay từ thuở ban sơ.
Nói đến nghề làm hương nức tiếng ở nước ta, chúng ta không thể không nhắc đến làng làm hương Cao Thôn (xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên). Đây là một trong những làng nghề làm hương có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, nơi đây có những bí quyết đặc biệt để làm ra hương trầm có mùi hương độc nhất.
Một nén hương - Hàng trăm loại thảo mộc
Hương xạ Cao Thôn đã trải qua gần 300 năm tồn tại ở vùng đất Hưng Yên. Trải qua nhiều thăng trầm, nén hương xạ nơi đây đã có được những phẩm chất mà ít làng hương nào sánh được: từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Hương xạ tại đây có mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, không xực nức nhưng lại phảng phất rất lâu. Với người dân, nghề làm hương không chỉ gắn bó với họ bởi đó là kế sinh nhai mà còn bởi đó là nghề gắn liền với đời sống tâm linh, niềm tin tôn giáo của họ.
Theo tương truyền, vào khoảng thế kỉ XVIII, bà Đào Thị Khương - người con gái tài sắc của làng - xa xứ lấy chồng, đã học được nghề làm hương xạ. Sau này, bà trở về quê và truyền lại cho dân làng. Để tưởng nhớ công ơn của bà, người dân lấy ngày 22/8 Âm Lịch làm ngày giỗ Cụ Tổ nghề.
Người dân làng Cao Thôn lập đền thờ bà Đào Thị Khương - cụ tổ nghề làm hương - tại đây.
Đối với những nghệ nhân làm hương truyền thống lâu năm, những nén hương chuẩn phải được làm từ rất nhiều loại thuốc Bắc và thảo mộc khác nhau, có khi lên đến hàng trăm loại như cây tùng, quế, hồi, thảo quả, đinh hương... Chính những loại thuốc Bắc và thảo mộc đó đã tạo nên mùi hương đặc trưng, không thể nhầm lẫn. Không chỉ vậy, nó còn giúp thư giãn tinh thần, tâm hồn thanh tịnh khi bắt gặp mùi hương đó.
Dưới góc nhìn của Đông Y, những loại thảo mộc này còn có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe, không gây kích ứng, đặc biệt tốt cho hệ hô hấp, có vị còn có tác dụng giảm đau, an thần. Đây có lẽ cũng chính là nguyên nhân vì sao người nghệ nhân lựa chọn những vị thuốc này để tạo nên hương xạ vừa thơm vừa có lợi cho người sử dụng.
Cách làm nên một nén hương trầm của nghệ nhân làng Cao Thôn
Để sáng tạo ra một hương thơm mới, người nghệ nhân có khi phải bỏ công sức nghiên cứu nhiều năm, thậm chí cả đời vẫn chưa ngộ hết được chân lý trong việc tạo hương thơm.
Sau khi các vị thảo mộc được lựa chọn kĩ càng, cân đong một cách cân bằng, tất cả sẽ được xay thành bột mịn, trộn với dây keo để gắn kết bột hương lại. Từ bột hương muốn se thành nén hương cần có tăm hương. Theo kinh nghiệm của những người thợ lâu năm, tăm hương phải được chọn từ những cây nứa bánh tẻ để chân hương đảm bảo độ dẻo dai, tạo độ cong cho cây hương.
Chiều dài của mỗi tăm hương từ 35-40 cm tùy theo nhu cầu sử dụng. Tăm hương sễ được chẻ nhỏ, ngăm, phơi rồi được nhuộm màu đỏ ở chân. Việc nhuộm màu không chỉ làm tăng vẻ đẹp của nén hương mà còn là điểm để đánh dấu phần bột hương được sử dụng trên nén hương.
Tất cả các công đoạn từ pha chế thuốc, se hương, nén hương đa phần được làm bằng tay. Các công đoạn không quá khó hay mất sức nhưng đòi hỏi sự chú tâm, tỉ mỉ của người thợ phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý.
Nén hương làm xong được đem đi phơi trên những chiếc phên. Nắng và gió sẽ giúp hương khô, lên màu, tỏa nhẹ hương thảo mộc dễ chịu. Việc phơi hương cũng phải đổ nhiều tâm sức của người thợ làm nghề bởi nghề này phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vì vậy, khi tiếng gà mới văng vẳng, người dân trong làng đã bắt tay vào việc để khi mặt trời là đã có hương mang ra phơi cho kịp nắng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!