Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện lưu giữ và trưng bày rất nhiều hiện vật quý. Trong đó, có không ít tượng Phật giáo ở các thời kỳ. Một trong những báu vật Quốc gia đầy bí ẩn chính là pho tượng Phật Bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ. Đây là một pho tượng đồ sộ và kì vĩ, được tạo hình kì công, độc đáo với những giá trị lịch sử và nghệ thuật khiến những ai có cơ hội chiếm bái đều phải trầm trồ kinh ngạc. Để trở thành một bảo vật Quốc gia, bức tượng này đã trải qua một quá trình dài, mang trong mình cá giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
Được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1965, tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ là một trong những hiện vật đầu tiên được đưa về Bảo tàng. Bức tượng được tìm thấy tại chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc) trong một dịp vô cùng tình cờ. Bức tượng đã khiến các chuyên gia của bảo tàng choáng ngợp trước tác phẩm điêu khắc cổ đồ sộ và tinh xảo bậc nhất Việt Nam còn lại cho đến ngày nay. Đây cũng chính là pho tượng hiện vật gốc, độc bản mang những giá trị nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo Việt Nam.
Tượng được làm từ gỗ, với chiều cao 3,15m, nặng hơn 3 tấn. Tổng thể pho tượng được tạo hình theo lối chắc khỏe, được chia làm 2 phần: phần thân tượng và phần bệ tượng. Trong số 42 tay, đôi tay chính chắp trước ngực ở thế Liên Hoa Hợp Chưởng, 2 tay đặt dưới lòng kết ấn thiền định. Mỗi bên vai tượng có 19 cánh tay mềm mại với bàn tay trong các tư thế kết ấn như theo chuyển động của một vũ đạo linh thiêng.
Đặt trong dòng chảy của Phật giáo với những di sản tượng Phật qua nhiều thời kỳ, có thể thấy ở thời Lý, tượng thường được chạm khắc bằng đá với kích thước lớn, tiêu biểu như bức A Di Đà chùa Phật Tích; ở thời Trần, chất liệu đồng được ưa chuộng, chau chuốt, tỉ mỉ. Song, đến thế kì XV, đất nước ta phải chịu cảnh lầm than cả về đời sống lẫn tôn giáo khi nhà Minh sang xâm lược. Rất nhiều ngôi chùa đã bị phá hủy ở thời kì này.
Đến thời Mạc, độc lập đất nước tạo điều kiện cho Phật giáo phục hưng, cùng với đó là sự phát triển hưng thịnh của nghệ thuật điêu khắc gỗ giúp các nhà nghiên cứu định niên đại cho bức tượng này là vào thời kì nhà Mạc (tức thế kỷ VXI). Tuy vậy, việc xác định pho tượng có niên đại từ thời nhà Mạc hiện vẫn còn nhiều tranh luận.
Các công thức tạc tượng trước đây thường được truyền bá bằng kinh, sách bên cạnh những kinh nghiệm bí truyền của từng nơi nhưng biến đổi theo bối cảnh chính trị và cảm quan của người thợ. Với pho tượng Quan âm Hội Hạ, tỷ lệ tượng vẫn tuân theo các quy tắc chung "Tọa tứ lập thất" tức tượng ngồi bằng 7 tỷ lệ đầu. Tỷ lệ này dường như có sự liên quan nhất định với "tỷ lệ vàng" của phương Tây. Giữa 2 nền văn minh Á - Âu xa lạ nhưng sự tương đồng nhất định về tỷ lệ trong tạo tác đã cho thấy trình độ điêu khắc gỗ của người Việt hàng trăm năm trước đã đạt đến sự đỉnh cao.
Bạn nhớ đón xem hành trình li kì để trở thành bảo vật Quốc gia của bức Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn trong "Giãi mã cuốc sống: Bí ẩn pho tượng cổ" (phần 2)! Chương trình sẽ được phát sóng vào 21h thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV2.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!