"Giải mã cuộc sống": Thánh Gióng và yếu tố Phật Giáo thời nhà Lý

PV-Thứ tư, ngày 22/12/2021 13:25 GMT+7

VTV.vn - Ẩn chứa trong biểu tượng Phù Đổng Thiên Vương - Đức Thánh Gióng - là lớp tín ngưỡng dân gian, tư tưởng Phật giáo đã được lưu truyền từ thời nhà Lý.

Từ bao đời nay, câu chuyện cậu bé Thánh Gióng "ăn 7 nong cơm, 3 nong cà, uống một hơi cạn đà khúc sông", lớn nhanh như thổi, đánh tan giặc Ân vẫn được lưu truyền qua các thế hệ người dân xã Phù Đổng. Truyền thuyết Thánh Gióng là một trong những chuyện kể dân gian được lưu truyền, ghi chép ở nước ta từ xa xưa và liên tục được bồi đắp, phát triển, sáng tạo bằng nhiều hình thức khác nhau. Đây cũng là truyền thuyết mang trong mình những lớp phù sa văn hóa từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, cùng với đó là quá trình xây dựng và phát triển về đời sống vật chất, tinh thần của người Việt.

Theo truyền thuyết, Phù Đổng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội) là quê hương, nơi sinh ra Thánh Gióng, mẹ Gióng ướm bức chân thần ở vườn cà mà sinh ra. Lần tìm theo chỉ dẫn của truyền thuyết dân gian, dễ dàng nhận ra hàng loạt các di tích liên quan đến thân thế và sự nghiệp của nhân vật huyền thoại Thánh Gióng nằm dọc theo 2 bên Nam, Bắc sông Thiên Đức (sông Đuống). Tại di tích Vườn Cà, người dân địa phương đã dựng một tấm bia và gọi di tích này là Cố Viên (Vườn Xưa). 

Giải mã cuộc sống: Thánh Gióng và yếu tố Phật Giáo thời nhà Lý - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cho rằng, những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thực lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình của mình để làm nên tác phẩm văn hóa mà đời đời đều ưa thích. Trở lại với câu chuyện Thánh Gióng, rõ ràng đây là câu chuyện huyền thoại với chi tiết dấu chân của người khổng lồ. Dưới góc độ văn hóa dân gian, chi tiết này hé lộ những điều khá thú vị, mà nổi bật lên là yếu tố Phật giáo.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, chi tiết dấu chân người khổng lồ được người mẹ ướm thử mang đậm tính dân gian với mô-típ sinh nở thần kì. Đáng chú ý hơn, chi tiết này cũng mang đậm tính Phật tích. Vào thời kỳ chưa có tượng Phật, nhân dân thờ dấu vết Phật để lại, trong đó có dấu chân Phật. Việc người mẹ ướm lên bàn chân mang ảnh hưởng rõ nét của Phật giáo. Yếu tố Phật giáo này không chỉ thể hiện trong truyền thuyết Thánh Gióng mà còn trong nhiều truyền thuyết dân gian khác.

Về đền Gióng, tam quan đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Trải qua hàng trăm năm, cổng đền và đôi rồng đá còn khá nguyên vẹn. Đền được làm trên nền đất của ông ngoại Thánh Gióng. Theo phong thủy, đền nằm trên trán rồng, 2 bên có giếng được gọi là mắt rồng. 

Giải mã cuộc sống: Thánh Gióng và yếu tố Phật Giáo thời nhà Lý - Ảnh 2.

Bên cạnh đền Phù Đổng là chùa Kiến Sơ. Đây là nơi lưu giữ nhiều truyền thuyết về vị khai sinh ra nhà Lý - Lý Công Uẩn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, từ thế kỷ XI, biểu tượng Thánh Gióng đã thực sự rõ nét. Dân gian cũng như vương triều Lý đã gửi gắm vào đây những ước mong, mong muốn của mình.

Việt Điện U Linh chỉ rõ, Phù Đổng Thiên Vương trước là một thần thổ địa, nằm trên đất của một hào trưởng, cung tiến cho sư Cảm Thành vào thế kỷ thứ IX. Từ đó, sư Cảm Thành đã xây dựng lên chùa Kiến Sơ. Khoảng 200 năm sau, miếu thờ thổ thần bị tàn lụi, sư Đa Bảo định phá dỡ nhưng thần đã hiện lên dưới dạng cây và truyền rằng không được phá. Nhà sư Đa Bảo lúc này quyết định tiếp tục xây miếu thờ.

Giải mã cuộc sống: Thánh Gióng và yếu tố Phật Giáo thời nhà Lý - Ảnh 3.

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, thần hiện ra và xin được thờ tự. Lý Công Uẩn chấp thuận và thờ như một thổ thần, tuy nhiên lại tạc tượng như một hộ pháp và phong Xung Thiên Thần Vương. Biểu tượng lúc này hoàn toàn được mô tả theo Phật giáo. Việc vua Lý Thái Tổ phong cho một xã thần cải quản một vùng xưa, trở thành một vị thần mang tên Xung Thiên Thần Vương - thần hộ pháp - đã cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng thời Lý.

Như vậy, có thể thấy quá trình hình thành biểu tượng Thánh Gióng được định hình rõ ràng từ thời Lý. Những tư liệu sớm nhất như Thiền Uyển Tập Anh, Việt Điện U Linh... cũng chỉ đề cập đến Thánh Gióng trong và sau giai đoạn trị vì của nhà Lý. Mở rộng vấn đề, các nhà nghiên cứu cho rằng việc tổ chức hội Gióng ngày nay mới bắt đầu từ khoảng thế kỉ thứ XI, đời vua Lý Thái Tổ. Với những sử liệu này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, muộn nhất là tới thế kỉ XI, dưới triều đại nhà Lý, biểu tượng Thánh Gióng đã ra đời bằng cách biểu tượng hóa tinh thần dân tộc thành một biểu tượng cụ thể, gọi là Xung Thiên Thần Vương.

Mời các bạn đón xem chương trình "Giải mã cuộc sống" được phát sóng vào 21h thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV2!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước