"Giải mã cuộc sống": Chùa Cầu, truyền thuyết thủy quái và sự giao thoa văn hóa

PV-Thứ ba, ngày 21/12/2021 06:45 GMT+7

VTV.vn - Chùa Cầu là biểu tượng, là linh hồn của phố cổ với những truyền thuyết huyễn hoặc về lí do xây dựng cầu khiến công trình kiến trúc này trở nên bí ẩn.

Chùa Cầu là một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi đến với Hội An. Hội An xưa là hội nhân, hội thủy, hội văn. Cùng với cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa cùng quần cư và dựng lên khu phố thương mại sầm uất dọc bờ sông Hoài.

Chùa Cầu cổ kính, trầm mặc, là nơi ẩn chứa bao câu chuyện huyền bí mang màu sắc văn hóa, tâm linh. Người ta coi chùa Cầu như một chứng nhân, chứng kiến bao thăng trầm, thay đổi của lịch sử, là dấu ấn giao thoa của những nền văn hóa độc đáo. Đúng như tên gọi của nó, chùa Cầu là một ngôi chùa nằm trên cây cầu bắc ngang một con lạch nhỏ trong khu phố cổ, nơi tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú (Hội An ngày nay).

Truyền thuyết thủy quái và nguyên nhân xây dựng cầu

Giải mã cuộc sống: Chùa Cầu, truyền thuyết thủy quái và sự giao thoa văn hóa - Ảnh 1.

Cả cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa có chung một truyền thuyết về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng ở ngoài đại dương có một loài thủy quái (người Việt gọi là con Cù). Con quái vật này có đầu nằm ở Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ và lưng vắt qua khe ở Hội An. Mỗi khi con thủy quái quẫy mình, nước Nhật sẽ bị động đất, phố cổ Hội An không được yên ổn để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn, buôn bán. Vì thế, ngôi chùa được người Nhật xây dựng lên với ý nghĩa như một thanh kiếm chắn ngang lưng con quái vật, ngăn không cho nó cựa mình để bảo vệ sự yên bình cho cuộc sống của người dân 3 quốc gia.

Cầu được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII nên ban đầu, dân gian gọi đây là cây cầu Nhật Bản. Tên cầu như vậy để ghi nhớ công ơn của những người đã góp công xây dựng cầu. 

Có một điều đặc biệt ở chùa Cầu, đó là mặc dù là chùa nhưng nơi đây không thờ Phật. Năm 1653, cầu được tu sửa và cho xây dựng thêm một ngôi chùa nhỏ nằm sát cầu. Người dân Hội An cho rằng, để yểm trừ, người Minh Hương đã cho lập ngôi chùa nhỏ này thờ Bắc Đế - một vị thần chuyên trị phong ba, lũ lụt, bảo hộ xứ sở với mục đích khống chê thủy quái để không gây ra động đất. Vậy là ngoài chức năng đi lại, chùa Cầu còn trở thành một địa chỉ tâm linh của cộng đồng người Hoa kiều, người Nhật Bản và người Việt Nam.

Chùa Cầu, "Lai Viễn Kiều" và linh vật của chùa Cầu

Giải mã cuộc sống: Chùa Cầu, truyền thuyết thủy quái và sự giao thoa văn hóa - Ảnh 2.

"Lai Viễn Kiều" có nghĩa là "Cầu đón khách phương xa". Học giả Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục viết: "Tháng 3 năm Kỷ Hợi (1719), Chúa Nguyễn Phúc Chu đã đặt chân đến Hội An. Tại đây, trông thấy phía Tây phố có một cây cầu ngói - nơi ghe thuyền nước ngoài tấp nập lui tới buôn bán. Chúa đã ngự ban tên là Lai Viễn Kiều". 

Do đó, trên bức Hoành phi trước cửa có khắc nổi 3 chữ Chúa ban Lai Viễn Kiều. Chữ được khắc theo kiểu Lệ thư, Hoành phi có viền rộng 10cm, trang trí 6 hình rồng 5 móng. Đây là một bằng chứng về bức Hoành do Vua Chúa đề tặng.

Điểm nhấn của chùa Cầu chính là cặp linh khuyển ngay đầu cầu. Phía Tây cầu là 2 cặp khỉ đá, 1 đực 1 cái trên bệ thờ quay mặt vào nhau, trong khi đó phía Đông là 2 cặp chó đá. Cạnh tượng linh cầu còn có những câu đối nói về sự trấn yểm, bảo vệ sự an toàn cho người dân phố Hội: "Thiên cẩu song tinh an cấn thổ/ Tử vi lưỡng tỉnh định khôn thân".

Giải mã cuộc sống: Chùa Cầu, truyền thuyết thủy quái và sự giao thoa văn hóa - Ảnh 3.

Trong đời sống tâm linh của người Nhật Bản, khỉ đóng vai trò là thần bảo hộ, trung gian giữa tâm linh và con người. Người dân phố cổ lí giải về tượng thờ chó và khỉ tại chùa Cầu theo 2 cách. Cách 1, họ cho rằng việc cân xứng 2 bên đầu cầu với 2 con linh vật trên ngụ ý nói về thời gian xây dựng công trình. Cụ thể, chùa Cầu được xây kéo dài 3 năm (động thổ từ năm Thân và hoàn thành vào năm Tuất). Cách 2, họ cho rằng 2 linh vật độc tôn này chỉ có duy nhất ở phố cổ Hội An và được thờ theo tín ngưỡng vật tổ của người Nhật.

Cộng đồng thương nhân Nhật Bản tin rằng, để khống chế được con Cù phải thờ thần Khỉ và thần Chó trên 2 đầu cầu. Cây cầu bắc qua với các linh vật bên trên như thanh kiếm cắm xuống huyệt lưng sẽ yểm thủy quái khiến nó không thể vùng vẫy, quẫy đuôi khi nước lớn và mang đến tai họa. Tục thờ Chó, Khỉ đã trở thành tín ngưỡng của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt nói chung và người phố cổ Hội An nói riêng, chó là con vật trung thành và mang nhiều may mắn.

Một điều đặc biệt nữa chính là những bức tượng này được làm bằng gỗ thay vì bằng đá, sau đó được mạ màu cho giống tượng đá. Với sự khắc nghiệt của thời tiết, những tượng gỗ này vẫn trường tồn với thời gian. 

Đón xem chương trình "Giải mã cuộc sống" được phát sóng vào 21h thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV2!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước