Xã Yên Lạc là một trong những xã đang chịu ảnh hưởng nặng nhất của sạt lở với 11 người thiệt mạng, nhiều tuyến đường đến thời điểm này vẫn đang bị chia cắt. Đi bộ qua những con đường này là cách duy nhất để các em đến được trường mỗi ngày.
Những đoạn đường sạt lở, phía trên là vách núi, các em phải đi cách xa và men theo những lối có sẵn, đi cùng nhau để hỗ trợ nhau.
Đường trơn, dốc, bùn lầy, nhiều đoạn đá tảng... có thể bị ngã bất cứ lúc nào.
Em Đặng Thị Yên (Lớp 2, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yên Lạc, Nguyên Bình, Cao Bằng) nói: "Con phải bám vào cây tre. Con bám thật chặt, vừa đi, vừa sợ ngã. Nhiều chỗ trơn không bám là ngã. Có lần bị ngã thì con phủi nó đi, rồi lại đi tiếp".
Đường gập ghềnh đi tìm con chữ của trẻ em vùng sạt lở.
Phải dậy từ 4h sáng, đường khó khăn nhưng không một em nào muốn nghỉ học, vì có thầy cô đang đợi.
Từ bản ra trường ở trung tâm xã là các em bậc tiểu học và trung học cơ sở. Trong bản mới chỉ có điểm trường mầm non. Một số em mầm non cũng đi học cùng anh chị. Có những em mới 2 tuổi, bố mẹ bế qua những đoạn đường khó đi rồi cùng đi với anh chị.
Trường tiểu học và THCS Yên Lạc hiện có 121 em học bán trú, Tuy nhiên, những ngày vừa qua, nhiều tuyến đường bị cô lập, việc cung cấp lương thực tại trường bị đứt quãng nên nhà trường không thể nấu ăn cho các em. Các em đã phải tự mang cơm đi như trong phóng sự vừa rồi. Dự kiến tuần này, nhà trường sẽ tổ chức lại việc bán trú cho các em học sinh.
Ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, sau mưa lũ, sạt lở, có những nơi, các em phải học nhờ nhà văn hóa, thậm chí, còn phải căng bạt để học.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!