Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An

Bài: Giang Châu - Ảnh: Phương Hằng-Thứ bảy, ngày 08/06/2024 10:51 GMT+7

VTV.vn - Cách phố cổ Hội An 3km về hướng Tây, có một làng gốm dùng đất sét nâu dọc sông Thu Bồn, quanh năm đón tiếp hàng trăm ngàn du khách đến thăm.

Nếu ai đến Hội An vì vẻ đẹp cổ kính thì chắc hẳn sẽ thích nhịp sống thanh bình, giản dị ở làng gốm Thanh Hà – ngôi làng có tuổi đời khoảng 500 năm mà nhiều khách nước ngoài, hoặc những người mê gốm sứ vẫn thường ghé qua.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, Chủ Cơ sở trải nghiệm gốm Mỹ Linh cho biết: "Đây là nghề của gia đình từ khi mình còn nhỏ, đến nay mình 28 tuổi rồi, phải yêu thì mới làm được. Giờ đông khách trải nghiệm nên mình chuyển sang dùng bàn điện chứ không làm bàn thủ công như trước nữa. Đất sét cũng được lên màu men đa dạng để sinh động và hấp dẫn hơn."

Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 1.

Chị Linh (áo nâu) đang hướng dẫn khách làm gốm.

Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 2.
Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 3.

Du khách có thể tự tay làm những sản phẩm gốm đơn giản.

Theo chị Linh, mỗi ngày nhà chị đón khoảng 70 – 80 khách, trong đó 90% là khách nước ngoài. Vì khách trực tiếp đã nhiều nên không cần bán sản phẩm qua mạng.

Riêng năm 2023, làng gốm Thanh Hà đón tầm 550 ngàn lượt khách, doanh thu hơn 19,2 tỷ đồng, trở thành mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất ở Hội An cũng như Quảng Nam hiện nay.

Doanh thu từ vé tham quan được trích ra để hỗ trợ cho khoảng 36 hộ với 60 lao động làm nghề trong làng. Đó cũng là động lực để mỗi "sứ giả" của gốm Thanh Hà đều tâm huyết với công việc. Bà Bùi Thị Phước Hiền (58 tuổi) là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm gốm. Bà tươi cười hỏi chuyện ngay khi nhìn thấy chúng tôi, và nhiệt tình chia sẻ về niềm vui thích trong nghề của mình.

"Tiêu chí đầu tiên là làm sao vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Mình phải mang toàn bộ tâm huyết của mình để phục vụ. Từ hồi mở du lịch, cô mua sách cấp tốc tiếng Anh về học những cái cơ bản, rồi học từ khách, ngày qua ngày, tháng qua tháng thành quen. Nhiều khách nước ngoài trở lại đây, họ bảo đã đến đây nhiều lần." - Bà Hiền hào sảng tâm sự.

Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 4.

Bà Hiền giới thiệu về những chiếc cốc gốm cổ.

Nếu sản phẩm gốm của Thổ Hà (Bắc Giang) từ đất sét xanh, Bát Tràng (Hà Nội) từ sét trắng, Phù Lãng (Bắc Ninh) từ sét vàng nâu thì gốm Thanh Hà được lấy từ đất sét nâu dọc sông thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao. Người thợ lấy đất về sau đó trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi đất nhuyễn mịn như bột bánh mới được. Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong để cho se lại, sờ tay vào không thấy dính thì mang ra ngoài nắng phơi, hoặc hong nơi góc bếp cho khô mới nung. Lò nung được xếp thật khéo để các sản phẩm vừa đảm bảo không bị chèn ép vừa tiết kiệm diện tích. Thời gian nung kéo dài từ  1 - 3 ngày tùy sản phẩm.

Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 5.
Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 6.

Các nghệ nhân làm gốm vẫn giữ lửa nghề qua bao năm tháng thăng trầm.

Sau một vòng tham quan và trải nghiệm làm gốm, mỗi du khách đều được tặng một món quà là tò he. Bằng cách làm du lịch chân chất, gần gũi nhưng đủ tinh tế và chuyên nghiệp, làng gốm Thanh Hà sẽ tiếp tục là cầu nối để đưa du khách chạm tới văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam.

Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 7.
Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 8.
Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 9.
Giữ lửa nghề ở làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh 10.

Một không gian trải nghiệm làm gốm nghệ thuật và bình yên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước