Cây tre, cây trúc có rất nhiều công dụng. Tre già có thể làm ra nhiều loại nông cụ và dụng cụ phục vụ cho đời sống, còn măng tre lại là món ăn ngon. Chính vì vậy, những vật dụng bằng tre vẫn luôn được người dân đón nhận.
Đến với nghề từ năm 9 tuổi, giờ ông Lâm Liếp đã là một nghệ nhân có tiếng ở làng nghề Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Hồi trước thì đan lát vật dụng thường ngày, giờ ông chuyển qua làm thêm giường ghế cho nhà hàng, khách sạn....
Danh tiếng của làng nghề đến từ đôi tay khéo léo và óc sáng tạo. Và nay người làm nghề còn có thêm sự nhanh nhạy để đáp ứng những đơn đặt hàng mới, như sản xuất miếng vỉ sấy bún.
Các sản phẩm thủ công bằng tre trúc luôn có chỗ đứng trên thị trường.
Thu nhập đủ sống nên những đôi tay ở các làng nghề tre trúc cứ thoăn thoắt. Xóm đan Cần Xé ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang từ mấy chục năm nay vẫn đều đặn đưa sản phẩm đi khắp mọi miền. Cả xóm tính ra cũng cả trăm hộ theo nghề truyền thống.
Ông Trần Văn Hội (Huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) chia sẻ: "Nghề này thì hổng có bấp bênh, nếu mình siêng thì sẽ sống được bằng nghề. Một ngày, nhân công có thể 150 ngàn đồng trở lên. Con nít khoảng chừng mười mấy tuổi là làm được rồi".
Người trẻ theo nghề cha ông như tre già măng mọc. Có lẽ cũng phần nào nhờ vậy mà các làng nghề tre trúc ở miền Tây vẫn trụ được trước những thăng trầm.
Cây tre, cây trúc đã mang lại cho bà con miền Tây một nghề truyền thống và làm đậm đà nền văn hóa Việt cũng như góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!