Tọa đàm "Thanh niên khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái" do ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp với UBND huyện Nho Quan và Ban quản lý Vườn quốc gia Cúc Phương tổ chức, theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, phát sóng trên nền tảng số của VTV5, Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có hơn 150 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu tham gia trực tiếp cùng hàng chục nghìn thanh niên theo dõi trực tuyến.
Nông nghiệp sinh thái - cơ hội để thanh niên khởi nghiệp
Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2022 cho thấy, nông nghiệp là ngành kinh tế rất quan trọng đóng góp khoảng 14% GDP và 38% việc làm. Tuy nhiên đây cũng là ngành đứng thứ hai về phát thải, tạo ra 19% tổng lượng khí phát thải hàng năm của Việt Nam. Cũng theo nghiên cứu do ActionAid Quốc tế mới công bố, năng lượng hóa thạch và sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp là hai ngành thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp sinh thái chính là giải pháp giúp Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp bền vững và thực hiện cam kết trở thành nước có phát thải ròng.
Theo Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long, nông nghiệp sinh thái là ngành nông nghiệp cao cấp nhất hiện nay khi bao hàm cả nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn… Nông nghiệp sinh thái là những mô hình nông nghiệp đáp ứng 2 nguyên tắc: giảm nguyên liệu hóa thạch, giảm lượng phát thải khí nhà kính và tái sử dụng các chất thải, coi đó là những tài nguyên sinh học để sử dụng quay vòng. Chính vì vậy, nông nghiệp sinh thái còn được coi là ngành nông nghiệp "thuận thiên" gắn liền với 3 yếu tố để phát triển tuần hoàn, bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng khoa Môi trường Đại học Cần Thơ cho biết, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp sinh thái khi có vị trí địa lý nằm gần xích đạo, nhận lượng bức xạ ánh sáng mặt trời lớn - yếu tố cần thiết cho quá trình canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long lại có địa hình bằng phẳng với mạng lưới sông ngòi dày đặc, rất phù hợp để kết hợp nuôi trồng thủy sản với nhiều mô hình đặc trưng như lúa - cá, lúa - tôm, tôm rừng…
Cũng theo Tổng cục Thống kê, thanh niên Việt Nam chiếm 22,5% dân số cả nước và chiếm khoảng 36% lực lượng lao động. Họ cũng là lực lượng nòng cốt của lực lượng lao động nhưng cũng là nhóm có tỷ lệ thất nghiệp còn cao, thiếu việc làm phù hợp, bên cạnh các khó khăn khi lập nghiệp.
Với mong muốn tạo ra không gian, cơ hội để các bên chia sẻ và tìm ra giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái, và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thành công, ActionAid quốc tế tại Việt Nam phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức tọa đàm "Thanh niên khởi nghiệp và nông nghiệp sinh thái". Đây là một trong rất nhiều hoạt động của dự án "Xây dựng năng lực lãnh đạo cho thế hệ trẻ Việt Nam trở thành công dân toàn cầu" được Chương trình Reach Out to Asia (ROTA) của tổ chức Giáo dục trên hết (EAA), ActionAid và AFV đồng tài trợ trong giai đoạn 2021 - 2024 tại 12 tỉnh, thành phố.
Mục tiêu của dự án là giúp gần 14 nghìn thanh niên trên cả nước trở thành những công dân toàn cầu, tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tập trung vào môi trường tại Việt Nam. Đây cũng là một dự án nổi bật đánh dấu sự hợp tác hiệu quả của ActionAid quốc tế tại Việt Nam và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Giúp thanh niên khởi nghiệp thành công với nông nghiệp sinh thái
Để thúc đẩy và khuyến khích thanh niên khởi nghiệp và phát huy hết khả năng của mình, Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, chính sách quan trọng như Chương trình khởi nghiệp quốc gia, chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2030. Nhờ những điều kiện thuận lợi đó, Việt Nam liên tục duy trì vị trí dẫn đầu về tinh thần khởi nghiệp, tuy nhiên vẫn có tới 90% doanh nghiệp khởi nghiệp chưa thành công.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cho biết, hiện nay, thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp rất lớn tuy nhiên số lượng bạn trẻ lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp hay nông nghiệp sinh thái không nhiều.
Theo Bí thư Đoàn huyện Nho Quan (Ninh Bình) Đinh Ngọc Vường, mỗi thanh niên khi khởi nghiệp sẽ có những điều kiện và khó khăn khác nhau. Một trong số những khó khăn lớn nhất là khả năng tiếp cận vốn khi đa số thanh niên còn phụ thuộc nhiều vào gia đình.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều chương trình như vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách - Xã hội; nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (nguồn vốn 120)… đã được triển khai và đạt nhiều hiệu quả tích cực.
Cũng theo ông Đinh Ngọc Vường, riêng tại Nho Quan, Ninh Bình, Hội đồng nhân dân tỉnh đã triển khai Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn.
Ngoài ra, Nhà nước còn có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển nông nghiệp sinh thái như Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022 - 2030.
Trước khó khăn trong tiếp cận kiến thức để khởi nghiệp nông nghiệp sinh thái, theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Lộc - Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, để khởi nghiệp sinh thái hiệu quả, các bạn tham gia các khóa tập huấn kiến thức về nội dung này. Các bạn có thể đăng ký qua cơ quan Trung ương Đoàn để mời các chuyên gia tổ chức tập huấn. Bên cạnh đó là ý tưởng khởi nghiệp; nội dung, dự án khởi nghiệp để xác định nguồn kinh phí và phải tự học, tìm hiểu và chấp nhận thất bại và quan trọng là phải có đam mê.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!