Gợi ý mâm cỗ chay dễ làm cúng rằm tháng 7

Theo TTXVN-Thứ năm, ngày 23/08/2018 16:35 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Chỉ với vài món chay đơn giản và cực dễ làm như đậu sốt nấm, chả đậu xanh chiên xù... chúng ta đã có một mâm cỗ chay đủ đầy để dâng lên ông bà tổ tiên ngày rằm tháng 7.

Ngày rằm tháng 7 âm lịch còn được gọi là Tết Trung Nguyên, Vu Lan báo hiếu. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày rằm tháng 7 còn là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội nên có lễ cúng cô hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa, không nơi nương tựa.

Trong ngày này, các gia đình thường chuẩn bị 4 lễ gồm cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng thí thực cô hồn.

Dưới đây là một vài gợi ý về các món chay đơn giản cho mâm cỗ cúng rằm tháng 7:

1. Xôi đỗ xanh - Xôi vò hạt sen

Mâm cỗ chay cúng rằm tháng 7 không thể thiếu xôi đỗ xanh với các nguyên liệu rất dễ tìm, bao gồm gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh và muối hạt.

Để nấu xôi đỗ xanh ngon, gạo nếp cái hoa vàng cùng đỗ xanh cần được đem đãi sạch rồi ngâm cùng nước ấm trước khi đồ sôi. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể ngâm gạo qua đêm. - - Gạo và đỗ xanh sau khi ngâm xong đem đổ ra rá rồi để cho ráo nước, tiếp đó trộn thêm một chút muối hạt vào hỗn hợp đỗ gạo.

- Đun sôi nước rồi đặt xửng hấp vào nồi. Đổ phần đỗ xanh cùng gạo nếp vào xửng sau đó đậy vung đồ chín xôi. Trong quá trình đồ xôi, bạn nên dùng 1 muôi đảo xôi đến khi chín đều.

- Xôi chín, đem xới ra một chiếc đĩa tròn sạch để xếp lên mâm cúng hoặc cho xôi vào 1 bát tô, nén chặt xuống rồi úp vào đĩa cho đẹp.

Ngoài ra, nếu muốn đổi món với xôi vò hạt sen, cách làm cũng tương tự. Hạt sen ninh chín bở và đậu xanh đồ chín rồi giã nhuyễn. Sau khi đồ xôi chín thì trộn đậu xanh cho đến khi xôi tơi ra thì trộn tiếp hạt sen.

2. Đậu sốt nấm - Đậu phụ tẩm bột chiên giòn

Đậu là một trong những nguyên liệu được dùng phổ biến trong các món ăn chay.

- Với món đậu sốt nấm, nấm hương sau khi ngâm cho nở sẽ đem rửa sạch thái lát. Đậu phụ thái miếng vuông.

- Tiếp đến, phi thơm hành, gừng đập dập rồi cho nấm hương vào đảo đều. Thêm nước vào nồi cho sôi rồi thả đậu vào để sôi thêm 10 phút. Nêm gia vị, hành hoa, chút tiêu rồi tắt bếp. Cách làm đậu sốt nấm khá nhanh nên rất tiện cho các bạn bận rộn.

- Với đậu phụ tẩm bột chiên giòn, bạn cần trộn hỗn hợp bột gồm ¾ chén bột ngô, ¼ chén bột ngũ cốc, gia vị, hạt tiêu đen với một ít nước. Đậu phụ cắt thành những miếng vuông, lăn qua hỗn hợp bột rồi rán vàng đều các mặt.

3. Chả đậu xanh chiên xù - Khoai môn chiên xù

- Đậu xanh ngâm cho mềm, hấp chín rồi xay nhuyễn. Đậu phụ dằm nát. Mộc nhĩ ngâm nước nóng cho nở rồi băm nhỏ.

- Trộn đều đậu phụ, đậu xanh, mộc nhĩ cùng tiêu, bột canh, bột ngọt rồi viên từng viên tròn lăn qua bột chiên xù rồi ấn dẹt.

- Cho dầu vào chảo cho nóng già rồi thả từng viên bột vào chiên vàng đều 2 mặt.

Nếu không thích các món làm từ đậu xanh, bạn có thể thay thế nguyên liệu này bằng khoai môn.

- Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, hấp chín rồi mang nghiền nhỏ, trộn cùng bột mì và ít đường trắng. Viên hỗn hợp này lại thành từng viên tròn rồi lăn qua bột chiên xù và chiên trong chảo dầu nóng cho đến khi vàng đều.

- Để món chiên được thơm ngon và không ngấy do ngậm dầu, khi vớt ra, bạn nên cho vào giấy thấm dầu trước khi bày vào đĩa.

4. Chả mực chay

- Nấm sò, su hào, cà rốt, thì là, hành tây sau khi sơ chế, rửa sạch, thái nhỏ đem trộn đều cùng gia vị.

- Trộn với hỗn hợp sền sệt gồm bột mì, bột gạo, bột ngô rồi viên lại thành các viên chả và đem chiên vàng.

5. Canh nấm chay

Cách làm canh nấm chay không quá khó nhưng không phải ai cũng biết làm cho ngon và giữ được hương vị của nấm. Một số loại nấm thường dùng cho món canh nấm chay như nấm rơm, nấm hương, nấm linh chi... Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị đậu phụ non, thịt chay, cà rốt, su hào, hạt sen, hành lá và các gia vị như dầu mè (hoặc dầu hào), hạt nêm chay, tiêu.

- Để nấu canh nấm chay ngon, trước tiên các loại nấm rửa sạch rồi để ráo; cà rốt, su hào gọt vỏ, rửa sạch rồi cắt khúc vuông quân cờ vừa ăn. Thịt chay và đậu phụ non thái miếng vừa ăn, hạt sen ngâm rửa cho sạch rồi bỏ tâm xanh đi. Hành lá nhặt và rửa sạch rồi cắt khúc.

- Bắc nồi lên bếp, thêm dầu ăn vào rồi phi thơm tỏi, hành tím. Khi hành tỏi phi vàng xong bạn cho thêm nước lạnh rồi đun sôi.

- Khi thấy nước nóng ở nhiệt độ nhất định thì thả đậu phụ, nấm rơm, nấm hương cùng cà rốt vào. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng.

- Khi canh chín, bạn cho thêm chút hành lá và rau mùi cùng hạt tiêu xay để tăng thêm hương vị cho món ăn.

6. Miến trộn chay

- Để làm miến trộn chay, bạn cần chuẩn bị nấm tai mèo, đậu phụ, cà rốt, lạc và rau thơm

- Các nguyên liệu đem sơ chế: nấm tai mèo, đậu phụ chiên thái chỉ, cà rốt bào sợi xào chín tới. Miến trần qua nước sôi để ráo rồi trộn cùng các nguyên liệu trên.

- Tiếp đó, bạn chỉ cần rắc lạc và rau thơm lên trên là đã hoàn thành món miến trộn chay cho mâm cơm cúng rằm tháng 7.

7. Bánh hỏi lá cẩm

Món bánh hỏi là cẩm nghe tên có vẻ cầu kỳ nhưng nguyên liệu và cách làm lại không quá khó.

Bạn cần chuẩn bị nửa gói bánh hỏi lá cẩm khô (khoảng 15 cuốn) cùng bột nêm chay, tiêu, dầu ăn, muối, hành lá. Lưu ý hãy chuẩn bị sẵn sàng 1 cái rổ, 2 cái thau và 1 ấm đun nước sôi. - Xếp bánh hỏi từng chồng vào trong rổ, sau đó đặt rổ bánh hỏi vào 1 cái thau không. Thau còn lại chứa khoảng ¾ nước đun sôi để nguội.

- Đun nước thật sôi, sau đó dội vào thau có chứa rổ bánh hỏi cho đến khi nước ngập mặt bánh. Thời gian ngâm bánh là 1 phút 15 giây tính từ lúc bắt đầu chế nước sôi. Chú ý không ngâm bánh quá thời gian trên, bánh sẽ bị nát, màu nhạt.

- Lấy rổ bánh hỏi ra khỏi thau nước nóng và nhúng ngay vào thau nước lạnh trong vòng 2 giây. Sau đó, cho rổ bánh ra làm ráo nước bằng cách gõ nhẹ vào rổ, gỡ từng miếng bánh hỏi ra đặt vào đĩa để khoảng 15-20 phút cho ráo. Sau đó cuốn lại xếp vào đĩa.

- Hành lá bỏ rễ, rửa sạch, cắt nhỏ. Bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa dầu ăn vào đun nóng. Dầu nóng già tắt bếp, cho chỗ hành lá ở trên vào đảo đều, cho ra đĩa, khi ăn dưới lên phía trên những cuốn bánh hỏi.

- Nước chấm bánh hỏi chua ngọt. Ớt rửa sạch, băm nhỏ. Chanh gọt vỏ, bổ đôi, vắt lấy nước cốt. Cà rốt thái lát mỏng ngâm với chút dấm, đường. Pha nước chấm nem từ muối, nước cốt chanh, đường, ớt và chút nước màu để tạo màu cho nước chấm. Sau khi muối, đường đã tan hoàn toàn, cho phần cà rốt ở trên vào, nêm nếm cho vừa ăn là được.

8. Gà chay

Cũng tương tự như mâm cỗ mặn, với mâm cỗ chay, món gà thường không thể thiếu. Dưới đây là cách làm món gà chay cực ngon lại đơn giản tại nhà để cúng rằm tháng 7.

- Nguyên liệu cần có: váng đậu tươi, lá chanh, rau mùi, nấm hương, xì dầu, dầu mè, ngũ vị hương, đường, rượu gạo, muối, gừng tươi, nước nấm ngâm, nước luộc rau củ.

Cách làm gà chay khá đơn giản.

- Trước tiên, bạn hãy ngâm nấm hương trong nước đến khi mềm rồi cắt bỏ phần chân nấm sau đó thái nhỏ. Giữ lại phần nước ngâm nấm để làm nước sốt.

- Cho 2 thìa nước nấm ngâm, nước luộc rau củ, 2 thìa canh nước tương, 2 thìa canh dầu vừng, 1/2 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê rượu gạo, 1/2 thìa cà phê muối cùng 1 miếng gừng tươi băm nhỏ vào chảo và đun với ngon lửa to.

- Khi thấy nước sôi, vặn nhỏ lửa rồi đun tiếp trong khoảng 2 phút nữa. Nếu thích nước sốt đặc bạn có thể pha thêm chút bột năng.

- Bắc chảo lên bếp rồi cho thêm chút dầu ăn vào, dầu sôi bạn cho nấm và nước tương, dầu vừng cùng ngũ vị hương vào xào khoảng 2 - 3 phút rồi tắt bếp.

- Lấy lá váng đậu cắt làm đôi rồi nhúng vào phần nước sốt vừa đun lúc trước sau đó gấp lại thành các hình chữ nhật. Lần lượt xếp chồng các lá lên nhau.

Lưu ý, bạn nên để dành một lá váng đậu để sau cùng bọc lại phần váng đậu quết nước sốt và nhân nấm đã xào rồi cuộn lại như làm nem.

Đặt cuộn gà chay vào nồi hấp khoảng 15 phút là được. Bạn nên xếp phần mép cuộn úp xuống để phần cuộn gà không bị bung ra nhé.

9. Gỏi cuốn ngũ sắc

- Nguyên liệu gỏi cuốn cần có: 12 tờ bánh tráng, đường kính 22cm, 2 quả bơ, thái lát mỏng, rau mùi tươi, non, rau húng bạc hà, bắp cải tím, thái sợi nhỏ; cà rốt, dưa chuột thái sợi bằng que diêm, giá đỗ.

- Chuẩn bị nguyên liệu nước sốt: 150gr đậu phụ, 70gr bơ đậu phộng mịn, 2 thìa canh rượu gạo, 1 thìa canh bột miso, 3 thìa cà phê mật ong, 3 thìa cà phê gừng xay nhỏ, 1 tép tỏi nhỏ nghiền nát.

- Các bước thực hiện:

Bước 1: Các thành phần trong nước sốt cho vào máy xay sinh tố, xay thật mịn, bỏ ra bát đồ chấm.

Bước 2: Làm mềm bánh tráng bằng cách nhúng vào nước lạnh rồi để ráo.

Bước 3: Trải bánh tráng lên mặt phẳng rồi cuốn theo thứ tự: 2 lát quả bơ, 2 ngọn rau mùi, 2 ngọn rau bạc hà, một ít bắp cải tím, cà rốt, dưa chuột, giá đỗ. Cuốn hai đầu bánh tráng và cuộn chặt tay.

Bước 4: Cắt đôi gỏi cuốn rồi trang trí lên đĩa, chấm cùng nước sốt đã làm.

10. Đậu đũa luộc rưới sốt mè

- Đậu đũa đem rửa sạch rồi cắt thành từng khúc dài từ 6 - 8cm. Đem đậu đã sơ chế luộc chín rồi ngâm trong nước đá để đậu xanh và giòn hơn.

- Cho một thìa mè rang cùng sốt mè vào bát nhỏ. Thêm một chút nước rồi khuấy đều tay cho tới khi tạo thành một hỗn hợp nhuyễn.

- Đậu đũa vớt ra để cho ráo rồi trộn cùng nước tương, muối, dấm, dầu mè, đường, sốt mè.

Cuối cùng, bạn chỉ cần xếp đậu đũa ra đĩa rồi rưới hỗn hợp sốt mè lên trên để hoàn thành món ăn.

Ý nghĩa, nguồn gốc của ngày rằm tháng 7, lễ Vu Lan báo hiếu Ý nghĩa, nguồn gốc của ngày rằm tháng 7, lễ Vu Lan báo hiếu

VTV.vn - Ngày 4/9/2017, ngày rằm tháng 7, ngày Xá tội vong nhân và cũng là ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Dưới đây tổng hợp ý nghĩa, nguồn gốc của rằm quan trọng này.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước