Trên trực thăng, người đàn ông bên cạnh hỏi tại sao tôi lại chọn thăm thung lũng Gurez vào thời điểm này khi nó có rất ít điểm để khám phá, thậm chí người địa phương cũng tránh nếu có thể. Tôi không tìm được lời giải thích rõ ràng, chỉ biết rằng thung lũng Gurez nằm dưới chân dãy Himalaya, được bao phủ bởi lớp tuyết dày cùng những bí ẩn xa xôi của nó rất hấp dẫn. Và tôi sẵn sàng bất chấp hiểm nguy để đến chiêm ngưỡng, khám phá nó.
Khu vực khắc nghiệt và biệt lập
Ẩn mình trong dãy Himalaya dọc theo Con đường Tơ lụa cổ đại, thung lũng Gurez đã thuộc về một phần lịch sử của Dardistan, quê hương của người Dardic, trải dài về phía Tây đến tận Afghanistan. Vào năm 1947, khi những người cai trị thuộc địa Anh rời khỏi Ấn Độ và Pakistan, thung lũng bị chia cắt dọc theo biên giới tranh chấp, được biết đến là Ranh giới kiểm soát, cắt đứt mối liên kết với cội nguồn và đặt Gurez về phía Kashmir do Ấn Độ quản lý.
Sau khoảng thời gian dài bị cấm đối với du khách nước ngoài và hầu hết công dân Ấn Độ, thung lũng Gurez - một vùng biên giới được quân đội hóa với hàng rào dây kẽm gai như lời nhắc nhở liên tục về xung đột đang diễn ra - gần đây đã mở cửa cho du khách. Ngày nay, thung lũng luôn nhộn nhịp vào mùa hè. Nhưng khi mùa đông đến, khu vực này trở nên khắc nghiệt và biệt lập bởi con đường duy nhất để ra vào bị chôn vùi dưới khoảng 5m tuyết.
Vẻ đẹp hùng vĩ mê hoặc du khách
Khi trực thăng hạ cánh xuống thị trấn trung tâm Dawar, lập tức tôi bị mê hoặc bởi vẻ hùng vĩ của đỉnh núi hình kim tự tháp Habba Khatoon. Tôi được chào đón nồng hậu bởi Bashir Teroo, một người hướng dẫn đáng tin cậy, mang lại cho tôi hiểu biết sâu sắc về những khó khăn hàng ngày của cộng đồng ở Gurez. Bị kẹt lại ở Dawar ba ngày đầu tiên bởi tuyết rơi dày, vào ngày thứ tư, tôi bị đánh thức bởi tiếng ồn của một chiếc trực thăng - dấu hiệu cho một ngày nắng. Tôi gọi ông Teroo và hỏi xem liệu ông có thể đưa tôi đến Chorwan, một trong những ngôi làng cuối cùng dọc theo Ranh giới kiểm soát. Ông ấy đã cảnh báo tôi rằng, những ngày nắng ấm sau bão tuyết có thể gây ra tuyết lở và khuyên tôi đợi cho đến khi tuyết tan.
Chúng tôi bắt đầu hành trình đến Chorwan bằng ô tô vào ngày hôm sau. Xuyên suốt hành trình, khung cảnh được phủ đầy tuyết trông rạng rỡ, với những con dốc trắng mịn nhường chỗ cho những vách đá hùng tráng, những con đường vắng trải dài trước mắt.
Cuộc sống bình lặng của người dân Gurez trong mùa Đông
Khi đến làng, tôi đã gặp vài người dân địa phương. Một trong số họ, Jaleel Ahmad, dẫn chúng tôi đến nhà ông. Giống như bao ngôi nhà khác trong làng, nhà của ông Ahmad được xây từ những cột gỗ chắc chắn xếp nằm ngang, tầng dưới thường được sử dụng làm chuồng cho gia súc, trong khi tầng trên dùng để phục vụ đời sống sinh hoạt. Khi mùa đông đến, dân làng chuyển sang sử dụng khung dệt và kim đan để tạo ra nhiều mặt hàng thủ công từ len địa phương. Một báu vật thủ công giá trị là pakol, một chiếc mũ gấp phẳng, luôn được xem là biểu tượng đại diện cho bản sắc địa phương.
Ở nhà ông Ahmad, khi ngồi trên bục cao trong căn bếp ấm áp, nhâm nhi tách trà muối truyền thống pha cùng bơ, tôi có cảm giác thân thuộc lạ thường. Suốt quãng thời gian tôi ở đây, ông Teroo đã khơi dậy sự hứng thú của tôi với câu chuyện về Tulail, một thung lũng nhỏ sâu trong núi mà theo ông là biểu tượng cho bản sắc của Gurez. Và phải đến tận ngày thứ 12 trong chuyến thăm Gurez, tôi mới bắt đầu đi tìm nó. Tôi thuê một người tên là Ajaz đưa tôi đến thung lũng trong chiếc Tata Sumo, một chiếc SUV lớn có khả năng chạy trên địa hình hiểm trở. Mặt trời chiếu rực phủ một lớp ánh bạc lên muôn cảnh, con đường uốn lượn dẫn tôi qua địa hình gồ ghề, những ngọn núi trở nên sắc nét và nhô lên như những chiếc dao nhọn. Mỗi ngôi làng tôi đi ngang qua đều tựa như cánh cổng dẫn đến một thời đại cũ.
Người dân Gurez may quần áo theo phương pháp cổ truyền
Thung lũng Tulail mang đến cảm giác vô hạn, và bởi ánh Mặt trời đang dần phai, tôi không có lựa chọn nào khác ngoại trừ việc sắp xếp để ở lại đây qua đêm. Sáng hôm sau, một cơn mưa tuyết nhẹ hóa cảnh vật trở nên đơn điệu và xám xịt. Tôi lê bước trên con đường trơn ướt, một cơn bão tuyết mạnh đang bao trùm thung lũng, gió thổi tuyết mịn thành một tầng sương dày. Tôi cảm thấy sửng sốt trước sự kiên trì của những người gọi nơi khắc nghiệt này là quê hương. Tuyết và sự tách biệt khiến cho mọi tình huống khẩn cấp nhỏ cũng có thể trở thành án tử. Rau củ tươi là món xa xỉ giữa tháng 11 và tháng 4, và một số cư dân phải đi hàng dặm chỉ để thực hiện một cuộc điện thoại. Mặc dù có một dự án điện ở trung tâm của khu vực, nhưng cư dân vẫn phải dựa vào máy phát điện dầu chỉ phát sáu giờ mỗi ngày. Và dẫu thế, những người dân tại Gurez vẫn kiên trì bám làng.
Quyết tâm giữ gìn di sản văn hóa đặc sắc
Khi du khách đến và có sự can thiệp của bên ngoài, người dân lo sợ rằng phong tục và lối sống truyền thống của họ sẽ bị mai một. Một số người coi du lịch là cơ hội cho sự tăng trưởng và thịnh vượng, nhưng những người khác quan ngại rằng sự hấp dẫn của lợi ích tài chính sẽ lấn át cái ấm áp thực sự giữa cộng đồng và làm hao mòn bản sắc nơi đây. Và không chỉ du khách, việc Internet xuất hiện tại Gurez vào năm 2018 cũng mang tới ảnh hưởng sâu sắc, đặc biệt là đối với giới trẻ. Mạng trực tuyến mang đến cho họ một lượng thông tin phong phú và góc nhìn toàn cầu cũng như thay đổi cách họ học ngoài trường lớp. Mạng xã hội đã kết nối họ với những người bạn trên khắp thế giới và mang lại cho họ một nền tảng để thể hiện bản thân.
Tuy nhiên, nhiều cư dân vẫn quyết tâm giữ gìn di sản văn hóa đặc sắc của họ, đặc biệt là truyền thống âm nhạc và thơ ca. Tại Dawar, tôi gặp một nhóm thanh niên thuộc một câu lạc bộ âm nhạc, do nhạc sĩ Fareed Kaloo dẫn dắt. Nhóm biểu diễn những bài hát bằng tiếng Shina, một ngôn ngữ cổ đặc trưng của vùng.
Mặc dù điều kiện sống ở Gurez khắc nghiệt, nhưng nhờ đó những người dân ở đây đã học cách trân trọng những điều bình dị trong cuộc sống. Họ chăm chỉ và tự chủ, hài lòng với bữa ăn đạm bạc cùng sự yên bình trong tâm trí và sức khỏe tốt mỗi ngày khi sống ở một nơi xa xôi như vậy.
Hàng dài hành khách chờ trực thăng ở Dawar
Vào ngày cuối cùng ở Gurez, tôi thức dậy với tâm trạng nặng trĩu bởi biết rằng hôm đó sẽ tràn ngập những lời chia tay buồn vui lẫn lộn. Những người bạn mới đưa tôi đến quán cà phê quân đội. Khi tôi mải ngắm cảnh và đắm trong suy nghĩ về chuyến đi của mình, Zahoor Ahmad Lone, một người đàn ông cường tráng với bộ râu rậm màu nâu và đôi mắt màu xanh dương, đến bắt chuyện: "Mọi người nghĩ rằng chúng tôi bất hạnh vì không có những tiện nghi của thành phố, nhưng họ không nhận ra rằng Chúa đã ban cho chúng tôi những giá trị tốt hơn".
Khi trực thăng cất cánh, tôi nhớ về những người đã gặp và những tách trà họ chia sẻ với lòng tử tế, chân thành. Những ngọn núi dường như đang dõi theo, vẫy gọi tôi ở lại lâu hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!