Tại Việt Nam, theo Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, mỗi năm nước ta phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Đó có thể những sản phẩm điện hoặc điện tử bị hư hỏng như tivi, điện thoại, máy tính…Trong loại rác thải này có rất nhiều chất độc gây hại cho sức khỏe con người như cadium trong điện trở, chì, thủy ngân... nếu không được xử lý đúng quy trình.
Để giải quyết tình trạng này, các nhà sản xuất thiết bị điện tử đã khởi xướng "Chương trình Việt Nam tái chế", một dự án thu hồi rác thải điện tử miễn phí đầu tiên tại Việt Nam.
Thay vì đem màn hình tivi đem bỏ ở những xe thu gom rác thông thường, ông Trần Quang Khải đã mang tới điểm thu gom rác thải điện tử được đặt gần siêu thị, nơi ông hay tới mua sắm.
Ông Trần Quang Khải (Đại lộ 2, phường Phước Bình, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Mình đi mua sắm rồi mới thấy ba cái tủ rác tái chế rác điện tử hư rồi mình tiện đường đem hư lên, bỏ vào đây".
Một điểm thu gom rác thải điện tử tại TP. Hồ Chí Minh.
Điểm thu gom rác điện tử này cũng đã quen thuộc với những người có ý thức bảo vệ môi trường.
Chị Châu Thị Dự (Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) nói: "Nhà tôi cũng gần đây và tôi hay thường đem rác thải điện tử bỏ vào đó".
Khi đồ điện tử không còn dùng được nữa, người dân đã có ý thức mang tới những điểm xử lý chuyên nghiệp. Đó chính là một trong những hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường của chương trình Việt Nam tái chế và công việc này được bền bỉ thực hiện nhiều năm nay.
Chị Mai Thị Thu Hằng - đại diện quản lý chương trình "Việt Nam tái chế" - cho biết: "Trong 10 năm qua, chương trình đã thực hiện rất nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về tác hại của rác thải điện tử. Hiện tại, chương trình đã thành lập 10 điểm thu gom tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội để giúp người dân có nơi thải bỏ rác thải điện tử đúng cách".
Chương trình có hai phương thức thu gom. Người dân, doanh nghiệp có thể mang rác thải điện tử đến các điểm thu hồi hoặc yêu cầu thu gom tận nơi.
Rác thải điện tử sau khi được thu gom sẽ được phân loại theo từng danh mục sản phẩm, tháo dỡ theo từng dòng vật liệu như nhựa, kim loại, thủy tinh... và đem đi xử lý một cách chuyên nghiệp để đạt được tỷ lệ thu hồi tài nguyên tối đa, bảo đảm quy trình tái chế an toàn, thân thiện với môi trường.
Trong 10 năm qua, Việt Nam tái chế đã thu gom và xử lý hơn 140 tấn rác thải điện tử. Ý thức và hành động của người dân là điều kiện tiên quyết để giữ gìn và bảo vệ môi trường sống xanh, sạch hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!