Hiện nay, đang có 7 triệu người khuyết tật tại Việt Nam, con số này hiện đang không ngừng tăng lên bởi những nguyên nhân khách quan như tai nạn giao thông, chất độc màu da cam,... Riêng Hà Nội, theo thống kê của Sở Lao động thương binh và xã hội, hiện đang có khoảng 120.000 người khuyết tật đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô, trong đó có 30% người đang ở độ tuổi thanh niên. Như vậy, Hà Nội có khoảng trên 30.000 thanh niên khuyết tật, chưa kể nhiều người khuyết tật khác đến từ các tỉnh, thành phố lân cận tới Hà Nội làm việc và học tập.
Các bạn thanh niên khuyết tật luôn được cộng đồng và xã hội quan tâm
Anh Trịnh Công Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội cho biết: "Những bạn trẻ khuyết tật là những đối tượng cần được quan tâm và tạo điều kiện hơn cả, bởi lứa tuổi của các bạn đang có nhu cầu được học tập, nhu cầu công việc, được khẳng định mình và cả nhu cầu hôn nhân và gia đình. Chúng tôi là tổ chức hội tập trung vào mục tiêu đào tạo năng lực cho các bạn trẻ khuyết tật để giúp các bạn chủ động đón nhận các cơ hội, kết nối các bạn đến các doanh nghiệp để các bạn tự tin, hòa nhập vào cuộc sống. Đến nay, những người khuyết tật cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn của cộng đồng".
Để kết nối những người khuyết tật, đưa họ đến với cộng đồng và tạo sự tự tin cho mỗi người, Hội thanh niên khuyết tật Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều câu lạc bộ tại các quận, huyện như CLB Những ước mơ xanh, CLB Sinh viên khuyết tật...Thông qua những hoạt động của các CLB, những người khuyết tật đã tự đứng lên tổ chức các sự kiện, các buổi giao lưu, chia sẻ. Bên cạnh đó, Hiệp hội Thanh niên khuyết tật Hà Nội cũng tổ chức những hoạt động mang tính tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo về kĩ năng mềm cho các thanh niên khuyết tật.
Bên cạnh sự giúp đỡ, sẻ chia trong chính cộng đồng người khuyết tật, nhiều cá nhân và đoàn thể vẫn luôn hỗ trợ và tìm mọi cách để giúp đỡ những người khuyết tật vững bước, tự tin trong cuộc sống. Ông Nguyễn Hải Phong - Trưởng ban kinh tế Tạp chí kinh tế doanh nghiệp cho biết: "Hiện chúng tôi đang thành lập chuyên đề tạo các lớp tập huấn đối với các nhân viên làm việc tại các sân bay để hỗ trợ những người khuyết tật, phối hợp để tạo nên một loại xe lăn phù hợp sử dụng trên máy bay cũng như tại nhà ga, tạo điều kiện tốt nhất cho những người khuyết tật tiếp cận với những công trình công cộng. Qua những buổi tập huấn như vậy, tôi mong các nhân viên phục vụ tại các sân bay nhà ga có ý thức hơn đối với việc phục vụ hành khách là người khuyết tật".
Ông Hải Phong cũng cho biết hiện ông đang có dự án với các cơ sở đào tạo về việc phổ biến nội dung Luật người khuyết tật và các thông tư hướng dẫn triển khai luật khuyết tật trong đơn vị giáo dục, nhà trường. Ông mong rằng việc này có thể giúp các em nhỏ đang ngồi trên ghế nhà trường có ý thức giúp đỡ, sẻ chia với những người thiếu may mắn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.