Hết tiền giữa tháng là cảnh chung của nhiều bạn trẻ Việt

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 22/05/2023 14:08 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, người trẻ Việt đang thiếu kỹ năng quản lý tài chính.

Vấn đề chi tiêu cá nhân vẫn ít được bàn đến vì nó được coi là vấn đề tế nhị và riêng tư. Thậm chí, ngay trong gia đình, bố mẹ và con cái cũng ít chia sẻ về chủ đề này. Chính vì vậy, kỹ năng quản lý tài chính và văn hóa tiêu tiền chưa thực sự được chú trọng.

Theo các chuyên gia, người trẻ Việt đang thiếu kỹ năng quản lý tài chính, đặc biệt là chưa biết cách kiểm soát chi tiêu. Xu hướng mua sắm vô độ đang dần trở thành căn bệnh của nhiều người, nhất là giới trẻ. Thấy rẻ là mua, thấy buồn là mua sắm cho vui, khi có niềm vui thì mua quà thưởng cho bản thân. Dịp nào cũng có thể tiêu tiền. Giờ đây khi việc thanh toán số đã trở nên phổ biến, việc mua sắm không chú ý khiến nhiều người tiện tay chuyển tiền đến khi tài khoản gần cạn mới giật mình nhận ra.

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: "Theo khảo sát, chỉ 24% mọi người cảm thấy tự tin và thành thạo trong các vấn đề về tiền. Những bạn sinh viên tôi dạy thì chỉ 12% có thể quản lý được tiền bạc trong cả tháng, 8% tiêu hết trong 10 ngày đầu và phần đông còn lại không biết làm gì với tiền. Giáo dục tài chính có thể bắt đầu với những đứa trẻ từ khi còn rất nhỏ, 5 tuổi khi các em làm quen với con số, mặt chữ có thể giúp các em hiểu khái niệm đầu tiên về tiền".

Có kỹ năng quản lý tài chính không chỉ giúp mỗi người kiểm soát việc chi tiêu, đảm bảo phù hợp với điều kiện sống của mình mà còn giúp hình thành văn hóa ứng xử với tiền bạc, lối sống, phong cách sống của mỗi người. Để thích ứng với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, từ năm 2018, nội dung về giáo dục tài chính đã được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, học sinh được tiếp cận những khái niệm ban đầu về tài chính, được học về cách kiếm tiền bằng sức lao động chính đáng, cách chi tiêu, tiết kiệm và quyên góp. Nội dung này lồng ghép trong các môn học từ tiểu học. Vì vậy, ở nhiều trường tiểu học, học sinh đã có thể tự lập dự án kiếm ra tiền bằng chính công sức của mình, dùng số tiền đó tặng cho các bạn nhỏ khác có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều phụ huynh có thói quen cho con tiền tiêu vặt một cách tùy ý theo mong muốn của trẻ. Đây được xem là thói quen không tốt, vì nó tạo cho trẻ tâm lý đồng tiền có được dễ dàng, từ đó dẫn tới tâm lý ỷ lại, phụ thuộc và không hiểu giá trị đồng tiền cha mẹ kiếm được. Thực tế, dạy về tài chính cũng là rèn nhân cách của con người, giúp con trẻ biết quý trọng sức lao động, quý trọng đồng tiền kiếm ra từ mồ hôi công sức, từ đó hình thành lối sống đúng đắn cho trẻ trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước