Yakishime làm trà cụ với bình đựng nước, giá đỡ ấm đun nước, cây khuấy trà, kết giới,...
Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tới khán giả Hà Nội triển lãm gốm Nhật “YAKISHIME – Dáng hình của Đất”.
Triển lãm “YAKISHIME – Dáng hình của Đất” sẽ tập trung vào yakishime, một kỹ thuật làm gốm nung, đồ gốm không tráng men ở nhiệt độ cao. Tuy là một trong những phương pháp sản xuất gốm cơ bản nhất, yakishime đã phát triển theo những hướng đặc biệt ở Nhật Bản. Triển lãm này sẽ giới thiệu một khía cạnh của văn hóa Nhật Bản qua việc nghiên cứu yakishime từ những hình mẫu sớm nhất cho đến các tác phẩm đương đại.
Bà Mieko Iwai (Giám tuyển Bảo tàng Panasonic Shiodome) cho biết: “Trong khi các tác phẩm được trưng bày bao gồm các ví dụ về phong cách sáng tạo vượt ra khỏi khái niệm yakishime truyền thống, triển lãm này cũng giới thiệu về yakishime trong bối cảnh trà đạo và washoku, ẩm thực Nhật Bản".
Bình miệng rộng từ gốm sueki (trái) và bình gốm bizen (phải)
Đồ gốm yakishime sớm nhất có niên đại từ thế kỷ thứ 4 hoặc thứ 5. Tuy nhiên, phải đến khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 17, kỹ thuật này mới có chỗ đứng vững chắc và được sử dụng trong một công đoạn sản xuất quan trọng tại các trung tâm gốm lớn ở Nhật Bản, bao gồm Bizen, Shigaraki và Tokoname.
Triển lãm này sẽ giới thiệu hai loại đồ gốm yakishime thực dụng: dụng cụ dùng trong trà đạo - một nét văn hóa có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa truyền thống Nhật Bản, và dụng cụ ăn uống - một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản. Triển lãm cũng trưng bày một loạt các sản phẩm gốm phi thực dụng được sáng tạo bởi các nghệ nhân gốm đương đại làm việc với gốm yakishime.
Những sản phẩm nghệ thuật Yakishime
“Nơi bóng ta gặp nhau” Mẫu 2015-01
Gốm Yakishime đang dần chuyển sang một hướng mới là sản phẩm nghệ thuật, thoát khỏi những ràng buộc của chủ nghĩa thực dụng. Một diễn biến gần đây là sự xuất hiện của các nghệ sĩ đang tạo ra đồ yakishime bằng đất sét không tráng men, bên cạnh các tác phẩm Bizen và truyền thống khác.
Tác phẩm “Giọt” của nghệ sĩ Isesaki Koichiro
Lư hương “Ryu Issei” từ gốm Bizen
Vào tháng 12 năm 2013, văn hóa ẩm thực Nhật Bản washoku đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Tuyên bố của UNESCO đánh giá về washoku có nói, một đặc điểm khác của washoku là cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên và sự thay đổi của các mùa được thể hiện trên bàn ăn. Họ cũng lưu chú rằng “sử dụng bát đĩa và dụng cụ ăn uống khác nhau phản ánh sự thay đổi của các mùa” là một phần thiết yếu trong văn hóa ẩm thực của người Nhật.
Sứ cẩm thạch Nerilomi “Ryu no Hako” (Giỏ rồng)
Các du khách nước ngoài cùng trò chuyện về văn hóa Nhật Bản
Umi no Shizuku (Giọt vào biển cả), 2014
Lọ lớn với hiệu ứng lò yohen, gốm Mumyoi
Sự kiện mang đến cho khán giả từ các nền văn hóa khác nhau, những người có thể còn lạ lẫm với những món đồ gốm đơn giản nhưng trang nhã sâu sắc này một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm sự tinh tế và thẩm mỹ độc đáo của Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!