Viên kim cương Koh-i-Noor được khai quật ở Ấn Độ (Ảnh: Getty Images)
Koh-i-Noor - viên kim cương vẫn được biết đến với biệt danh “biểu tượng của sự chinh phục” sẽ được ra mắt công chúng trong cuộc triển lãm ngày 26/5 tới đây tại tháp London - cùng tháng với lễ đăng quang của Vua Charles III và Vương Hậu Camilla. Quá khứ và lý do tại sao viên kim cương 105,6 carat này lại được đính trên vương miện Anh sẽ được giải thích trong cuộc triển lãm. Sau sự qua đời của Nữ hoàng Elizabeth II vào năm ngoái, Ấn Độ đã tiếp tục kêu gọi cho viên kim cương hồi hương. Vương Hậu Camilla cũng đã quyết định không đính viên ngọc gây tranh cãi này vào vương miện đăng quang của mình.
Koh-i-Noor có nghĩa là "ngọn núi ánh sáng", được khai quật ở miền trung nam Ấn Độ. Ban đầu, viên kim cương có khối lượng 191 carat nhưng sau đó đã được thợ kim hoàn hoàng gia Garrard cắt lại vào năm 1852.
Để giải thích nguồn gốc viên kim cương, triển lãm sẽ kết hợp các vật thể và hình chiếu. Chúng bao gồm một bộ vòng tay của Ấn Độ với bản sao Koh-i-Noor, thể hiện kích thước của nó trước khi cắt lại và khung vương miện của Nữ hoàng Alexandra năm 1902 được khảm bằng đá. Một bộ phim ngắn ghi lại hành trình thay đổi quyền sở hữu của viên kim cương cũng sẽ được chiếu. Các đồ trang sức vương miện khác cũng sẽ được trưng bày là chiếc thìa được sử dụng để xức dầu cho quốc vương và kim cương Cullinan - viên kim cương nguyên khối lớn nhất thế giới từng được biết đến.
Charles Farris, nhà sử học đại chúng về lịch sử chế độ quân chủ tại HRP nói rằng: “Những viên ngọc quý của Vương miện là biểu tượng mạnh mẽ nhất của Chế độ quân chủ Anh và nó có ý nghĩa tôn giáo, lịch sử, văn hóa sâu sắc”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!