Hộ chiếu Vườn quốc gia – Cầu nối giữa con người với thiên nhiên

Giang Châu-Chủ nhật, ngày 14/07/2024 06:15 GMT+7

Hộ chiếu Vườn quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Bộ Tài nguyên & Môi Trường)

VTV.vn - Được check-in, đóng dấu vào cuốn hộ chiếu ở các Vườn quốc gia của Việt Nam có lẽ sẽ khiến nhiều bạn trẻ thích thú và quan tâm đến việc bảo tồn thiên nhiên.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã tổ chức Diễn đàn hợp tác công – tư trong việc phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng và khởi động sáng kiến Hộ chiếu Vườn quốc gia. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến này, với mục tiêu tạo cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; tạo động lực cho du khách trải nghiệm và khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng. Qua đó, từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững và tạo đà cho các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên có cơ sở hạ tầng du lịch, có lượt du khách đến tham quan, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến các giá trị bền vững của hệ sinh thái.

Hộ chiếu Vườn quốc gia – Cầu nối giữa con người với thiên nhiên - Ảnh 1.
Hộ chiếu Vườn quốc gia – Cầu nối giữa con người với thiên nhiên - Ảnh 2.

Danh sách 34 Vườn quốc gia đầu tiên sẽ có tên trong cuốn Hộ chiếu xanh.

Trong giai đoạn đầu, Hộ chiếu Vườn quốc gia được áp dụng tại 34 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hoạt động du lịch. Khách du lịch trong nước và quốc tế có thể sở hữu hộ chiếu bằng hình thức bản giấy hoặc hộ chiếu điện tử. Du khách sở hữu hộ chiếu cũng sẽ có cơ hội nhận được các ưu đãi, giải thưởng khi đặt chân đến các vườn quốc gia và đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) cho biết, ý tưởng ra đời Hộ chiếu VQG hướng đến 4 mục tiêu chính: Tăng cường ý thức bảo vệ môi trường (Thông qua việc thúc đẩy du khách chấp nhận và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường); Quảng bá văn hóa và giáo dục (Kích thích sự hiểu biết về giá trị văn hóa và tự nhiên của vùng); Xúc tiến hoạt động du lịch (Tạo thêm động lực, khuyến khích du khách trải nhiệm nhiều hơn tại các VQG trên mỗi vùng miền); Tạo nguồn thu nhập bền vững (Hỗ trợ cộng đồng địa phương và bảo tồn hóa vùng lân cận với vườn quốc gia. Hoạt động giáo dục môi trường, bảo tồn...).

Theo đó, Hoa Kỳ và Thái Lan là 2 quốc gia đã có kinh nghiệm áp dụng hộ chiếu vườn quốc gia để mang lại nhiều lợi ích cho thiên nhiên và cuộc sống của người dân bản địa. Với 167 khu bảo tồn thiên nhiên và mức độ đa dạng sinh học cao xếp thứ 14 trên thế giới, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để triển khai sáng kiến này.

Hộ chiếu Vườn quốc gia – Cầu nối giữa con người với thiên nhiên - Ảnh 3.
Hộ chiếu Vườn quốc gia – Cầu nối giữa con người với thiên nhiên - Ảnh 4.
Hộ chiếu Vườn quốc gia – Cầu nối giữa con người với thiên nhiên - Ảnh 5.

Việt Nam có trên 14,86 triệu ha rừng với tiềm năng phong phú, đa dạng về các giá trị hệ sinh thái rừng. Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã thúc đẩy chủ trương "xã hội hoá nghề rừng" bằng nhiều cơ chế, chính sách. Cụ thể, trong quan điểm tại Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ: "...có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp".

Trong sự kiện, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Suntory PepsiCo Việt Nam đã ký kết hợp tác phát triển rừng bền vững, hướng đến bảo tồn nguồn nước và trung hòa các - bon. Các lĩnh vực hợp tác chính gồm:

- Trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa kết hợp với dược liệu gắn với cải thiện sinh kế người dân và hướng đến mục tiêu tăng khả năng hấp thụ và trung hòa các-bon, bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn nước. Chương trình dự kiến trồng mới và làm giàu cho gần 250 ha rừng, tại khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ trên khắp cả nước.

- Thiết kế, triển khai Chương trình "Học kỳ Lâm nghiệp": xây dựng chương trình trải nghiệm rừng nhằm giáo dục về nguồn nước, đa dạng sinh học và nuôi dưỡng tình yêu với rừng và nguồn nước ở học sinh và khách trải nghiệm vườn quốc gia.

- Thí điểm sáng kiến "Hộ chiếu Vườn quốc gia": khuyến khích người dân, du khách tăng cường khám phá, trải nghiệm rừng và nuôi dưỡng ý thức bảo vệ và phát triển rừng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của rừng.

Hộ chiếu Vườn quốc gia – Cầu nối giữa con người với thiên nhiên - Ảnh 6.

Diễn đàn “Hợp tác công - tư trong việc phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng”.

Hộ chiếu vườn quốc gia sẽ là một trong những bước đi đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, được Thủ tướng phê duyệt ngày 29/2/2024. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng sáng kiến này sẽ giúp mang thiên nhiên đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là những ai còn xa lạ với rừng, đồng thời góp phần phát triển giá trị đa dụng của rừng, nâng cao quá trình hợp tác công tư. Ông hy vọng, "Với Hộ chiếu Vườn quốc gia, chúng ta sẽ giữ rừng bằng một cách khác, để chúng ta giàu hơn, làm giàu không chỉ bằng tiền mà bằng cảm xúc, sự thoải mái khi về với rừng".

Hộ chiếu Vườn quốc gia – Cầu nối giữa con người với thiên nhiên - Ảnh 7.

Du khách đạp xe khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên.

Hộ chiếu Vườn quốc gia – Cầu nối giữa con người với thiên nhiên - Ảnh 8.

Vẻ đẹp hoang sơ của Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước