Trong tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 (15/11-15/12/2022), sự kiện “Khát vọng Phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào tối ngày 25/11/2022 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Tọa đàm là tiếng nói của những người phụ nữ dân tộc thiểu số điển hình mang trong mình khát vọng và hành trình chinh phục ước mơ.
Những nhân vật “truyền cảm hứng” cùng nhà báo Hoàng Anh Tú (biệt danh anh Chánh văn) tại buổi tọa đàm
Những người phụ nữ “truyền cảm hứng” chia sẻ câu chuyện của mình tại buổi tọa đàm là Hoa hậu Hoàn vũ 2018 H’Hen Niê; Sùng Y Múa - Nhân vật được đề cử Giải KOVA 2022; đạo diễn Hà Lệ Diễm - người dân tộc Tày, từng đạt giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam; họa sĩ Chế Kim Chung và Thạch Thị Chal Thi - người đưa mật hoa dừa đi khắp thế giới.
Ngoài ra, tới tham dự sự kiện còn có ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn - Chính ủy Bộ đội biên phòng; bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các ban lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các đại diện đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế,...
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bà Hà Thị Nga phát biểu khai mạc sự kiện: “Sự kiện “Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số” nhằm gửi đi các thông điệp, vận động xã hội chung tay thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Dự án thành phần số 8 nằm trong chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm đẩy mạnh, chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, thúc đẩy quyền, trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng đất nước phát triển bền vững…
Những hình ảnh khởi đầu khi thực hiện Dự án 8
Hội LHPN Việt Nam có vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8 và giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong chương trình Mục tiêu quốc gia. Trong giai đoạn I từ 2021 - 2025, Dự án tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xác định 4 nội dung can thiệp, 8 chỉ tiêu cụ thể.
Tại buổi tọa đàm, Hoa hậu H’Hen Niê một lần nữa nhắc lại câu nói truyền cảm hứng mạnh mẽ của mình: “Tôi đến từ một dân tộc thiểu số, thay vì tảo hôn, tôi đã lựa chọn đi học. Nếu tôi làm được, các bạn cũng làm được” và xúc động chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, nạn tảo hôn của người dân tộc Ê-đê.
“Khi em còn nhỏ, những người bạn của em đều đã kết hôn hết rồi. Kết hôn trong thời điểm đó không phải vì tình yêu nam nữ mà do ba mẹ nói rằng con đã đến tuổi kết hôn rồi. Hiện tại thì đã đỡ hơn một chút bởi vì ba mẹ đã không còn nói con phải kết hôn nữa nhưng đó là sự lựa chọn của các em. Có rất nhiều trường hợp các em đã nghỉ học, mọi người rất sợ đi đến trường, đây là một vấn nạn khá là mới ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bản thân H’Hen Niê cũng cảm thấy mình chưa giúp đỡ được nhiều cho cộng đồng của mình. Mọi người vẫn nghỉ học sớm, vẫn nghĩ việc đi làm thuê là đủ, vẫn dừng việc học của mình, không theo giáo dục. Em luôn nói giáo dục thay đổi bản thân em, cho em nhiều cơ hội nhưng em cảm thấy rất tiếc khi nhiều bạn trẻ để tuột đi cơ hội đó. Hi vọng trong thời gian tới mình có thể truyền cảm hứng, chia sẻ nhiều hơn. Mình luôn tin một điều rằng chỉ có giáo dục mới có thể thay đổi".
Sùng Y Múa nhắn gửi thông điệp “Các bạn hãy đến trường và nói không với tảo hôn”
Bên cạnh buổi tọa đàm là triển lãm “Khát vọng phát triển” gồm 3 chủ đề: Rào cản cuộc sống; Sự thay đổi và điều mong đợi; Vì một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Những câu chuyện về việc nhà, sinh kế, về những vấn đề xã hội như tảo hôn, tục “nối dây”, gánh nặng kép trong gia đình mẫu hệ,... giúp người xem hiểu rõ hơn những thực trạng, rào cản, định kiến giới đang diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phụ nữ, trẻ em phải đối mặt.
Triển lãm “Khát vọng Phát triển” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện với những hình ảnh, thước phim sống động, chân thực tại địa bàn 4 tỉnh: Điện Biên, Quảng Bình, Gia Lai và Sóc Trăng - 4 trong 8 tỉnh làm điểm triển khai các mô hình của Dự án 8.
Câu chuyện “Nấu ăn là việc của đàn bà?” và khu vực bếp củi, giàn ngô được tái hiện lại đặc trưng nhà bếp của vùng đồng bào miền núi.
Những câu chuyện chân thực về định kiến quen thuộc “Phụ nữ phải làm việc nhà”.
Những tấm gương phụ nữ nỗ lực, kiên trì theo đuổi ước mơ
“Sự thay đổi và điều mong đợi”
Sưu tập hiện vật dùng trong sinh hoạt của phụ nữ khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên
Câu chuyện về hành trình thành đạo diễn quốc tế xuất sắc của cô gái Tày - Hà Lệ Diễm
Hoa hậu H’Hen Niê tham quan triển lãm và chia sẻ vài câu chuyện ngắn về tục tảo hôn của đồng bào mình
Hình ảnh những người phụ nữ dân tộc thiểu số vào bếp nấu đồ ăn cho gia đình
Phụ nữ và trẻ em mong muốn được đi học và cho thấy tầm quan trọng của giáo dục
Những câu chuyện về khó khăn, rào cản trong cuộc sống
Những mong muốn thay đổi tương lai dành cho phụ nữ và trẻ em
Không gian phòng triển lãm “Khát vọng phát triển”
Ca sĩ Hương Ly cùng vũ đoàn biểu diễn ca khúc “Tình ca Tây Nguyên”
Triển lãm “Khát vọng Phát triển” bắt đầu từ ngày 25/11/2022 – 9/12/2022, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!