Bắt đầu từ những ngày đầu tháng 2/2024, nhiều chương trình, hoạt động đã được tổ chức như trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện Rồng”; trưng bày chuyên đề “Phong vị tết xưa Hà Nội”; tọa đàm “Phong vị tết xưa Hà Nội” và các hoạt động chia sẻ hình ảnh đẹp chụp tại Bảo tàng Hà Nội với chủ đề “Khoảnh khắc mùa xuân”.
Điểm nhấn của hoạt động là phần trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện Rồng”, trưng bày giới thiệu hơn 100 tài liệu, hiện vật nhằm làm rõ biểu tượng rồng trong kiến trúc các công trình tôn giáo tín ngưỡng, qua bộ sưu tập hiện vật. Ứng dụng biểu tượng rồng trong đời sống và mỹ thuật đương đại được thể hiện hiện qua các sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công đặc sắc. Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề: Hình tượng rồng trên kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng; hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt và hình tượng rồng trong đời sống đương đại.
Không gian trưng bày chuyên đề “Năm Thìn kể chuyện Rồng”.
Sản phẩm “Họa long” được lấy ý tưởng từ hình tượng rồng trên điêu khắc đình làng và hoa văn trên sắc phong.
Sản phẩm được làm từ gốm bởi nghệ nhân Nguyễn Văn Hải.
Trong khuôn khổ buổi lễ, tọa đàm “Phong vị tết xưa Hà Nội” cũng nhằm giúp công chúng hiểu hơn các câu chuyện xoay xung quanh các hoạt động trưng bày. Tại buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS. TS Bùi Xuân Đình trao đổi về chủ đề “Phong tục chuẩn bị tết xưa người Hà Nội”; TS Trần Đoàn Lâm trao đổi chủ đề “Tục lệ chúc tết truyền thống” và các diễn giả, khách tham quan.
Trưng bày phong tục nấu, gói bánh chưng ngày Tết .
TS Trần Đoàn Lâm chia sẻ, Bảo tàng Hà Nội luôn có những ý tưởng thú vị, có sức thu hút công chúng, điều đó thể hiện qua các hoạt động trưng bày. Những nét Tết cổ xưa, đồ vật, đồ lễ Tết xưa được trưng bày tại đây cho thấy Tết là di sản văn hóa lớn, nhắc đến Tết của ai đó, họ sẽ có những ký ức vô cùng đẹp về Tết.
Đại biểu, khách mời tham gia tọa đàm “Phong vị Tết xưa”.
“Các hoạt động hôm nay giúp chúng ta khai thác những mặt tích cực về Tết xưa, từ đó để người con đất Việt luôn nhớ về cội nguồn. Không gian tái hiện tại Bảo tàng đã đảm bảo được không gian Tết cổ qua thị giác, đó là bàn thờ tổ tiên, đồ vật lê Tết, không gian nấu bánh chưng, hình ảnh chợ Tết… Tôi cho rằng nếu những người trẻ đến đây sẽ cảm nhận được phần nhiều về ký ức Tết xưa”, TS Trần Đoàn Lâm chia sẻ thêm.
TS Trần Đoàn Lâm chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Song song với các buổi tọa đàm là các hoạt động trưng bày chuyên đề “Phong vị tết xưa Hà Nội” nhằm gợi lại các phong tục tốt đẹp của tết truyền thống dân tộc. Nội dung trưng bày gồm: bánh chưng; tục dựng cây nêu; tục chơi câu đối, chơi tranh, xin chữ ngày Tết; Thú chơi cây cảnh ngày Tết; pháo Tết; chợ Tết xưa và nay. Tất cả thể hiện qua bộ ảnh sưu tầm trong nước và nước ngoài, cùng với đó là sự kết hợp với nghệ thuật được đặt trong không gian trưng bày.
Khách tham quan xem những sản phẩm trưng bày tại “Năm Thìn kể chuyện Rồng”.
Đến tham gia các hoạt động, bà Nguyễn Thu Hoa, (Hà Đông) chia sẻ: “Đến tham quan không gian Tết xưa tại Bảo tàng Hà Nội, tôi bồi hồi nhớ lại Tết của những năm tháng còn trẻ, dù tính chất công việc phải trực cơ quan vào dịp Tết nhưng mỗi người ai cũng mong muốn về nhà nấu một nồi bánh chưng để có không khí của Tết vì vậy mà bánh chưng ngày đấy được xem là điều quý nhất với mỗi gia đình. Tết ngày xưa nghèo nhưng vô cùng vui. Đến bây giờ hình ảnh mỗi người cầm bánh chưng trên tay luôn khiến tôi nhớ mãi”.
Khách tham quan xem lại những hình ảnh Tết chợ Tết xưa và nay.
Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giao lưu với khách tham quan nhân dịp đầu xuân 2024, Bảo tàng Hà Nội tiếp tục tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ hình ảnh đẹp theo chủ đề “Khoảnh khắc mùa xuân”.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!