Tại các nước phát triển, ngôn ngữ cơ thể được các chính trị gia, doanh nhân đặc biệt chú trọng và sử dụng như một kỹ năng không thể thiếu trong giao tiếp. Thời gian gần đây, tại Việt Nam cũng bắt đầu hình thành trào lưu học về ngôn ngữ cơ thể để áp dụng vào cuộc sống và công việc. Tham gia những khóa học mới mẻ này phần nhiều là công chức và doanh nhân.
Nếu muốn được nhìn nhận như một vị thủ lĩnh, bạn cần phải đứng thẳng, nhìn thẳng. Khi bắt tay đối tác, hãy chú ý đặt bàn tay mình ở phía trên. Những tín hiệu đó toát ra sự tự tin và sức mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn đi lại với một đôi vai rụt, đầu cúi, cộng với chất giọng uể oải hay hấp tấp, bạn dễ bị coi là thiếu quyết đoán và ít trải nghiệm. Đó là một phần nội dung của khóa học về ngôn ngữ cơ thể do chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Quân, người đã sống và làm việc gần 30 năm tại Đức về Việt Nam giảng dạy.
Theo các nhà nghiên cứu, khoảng 50 đến 85% thông điệp tại các cuộc giao tiếp được truyền tải qua ngôn ngữ cơ thể, vấn đề là bạn có khả năng đọc ra nó chính xác hay không. Tại các nước phát triển, giới doanh nhân đặc biệt chú trọng đến loại ngôn ngữ này, họ sử dụng nó để bộc lộ bản thân một cách có chủ ý cũng như để hiểu suy nghĩ của đối tác trên các bàn đàm phán. Trong khi đó, với sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ cơ thể, người Việt Nam rất dễ bị thiệt thòi khi giao dịch với đối tác nước ngoài. Đây chính là lý do anh Quân ở lại Việt Nam để giảng dạy bộ môn này.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc các doanh nhân và công chức vẫn tích cực tiếp thu thêm những kỹ năng mới để phục vụ cho công việc thể hiện tinh thần cầu tiến của người Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào.