Khám phá 400 ngôi mộ có niên đại 1.800 năm tuổi

Mai Linh (theo Live Science)-Thứ ba, ngày 19/10/2021 11:53 GMT+7

Những hoa văn trang trí độc đáo của ngôi mộ cổ đại lộ ra sau quá trình trùng tu (Ảnh: Blaundos Archaeological Excavation Project)

VTV.vn - Là một bộ phận của nghĩa địa bằng đá lớn nhất thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ, 400 ngôi mộ nghìn năm tuổi này tiết lộ những bí mật đáng kinh ngạc của văn hóa cổ đại.

Mới đây, các nhà khảo cổ học tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đi sâu vào nghiên cứu 400 ngôi mộ bằng đá có niên đại lên tới 1.800 năm - một bộ phận của một trong những nghĩa địa bằng đá lớn nhất trên thế giới. Những ngôi mộ này nằm ở thành phố cổ Blaundos, cách biển Aegenda khoảng 180 km về phía đông. Blaundos đã được thành lập từ thời kỳ cai trị của Alexander Đại đế và tồn tại qua các thời kỳ La Mã, Byzantine.

Birol Can – nhà khảo cổ học tại Đại học Usak, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những ngôi mộ này chứa rất nhiều hài cốt – một manh mối cho thấy đây là một ngôi mộ gia đình đã được sử dụng qua nhiều thế hệ. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng khu mộ tại Blaundos là những ngôi mộ gia đình. Chúng mở cửa đón các thành viên và đóng lại sau mỗi lễ an táng”.

Khám phá 400 ngôi mộ có niên đại 1.800 năm tuổi - Ảnh 1.

(Ảnh: Blaundos Archaeological Excavation Project)

Theo Birol Can, thành phố Blaundos nằm trên một ngọn đồi bao quanh bởi thung lũng, thực chất là một nhánh của hẻm nủi Usak. Người dân nơi đây đã xây dựng các khu mộ trên sườn của hẻm núi. Do tính chất địa hình bao quanh thành phố, hình thức phổ biến nhất của các ngôi mộ là dạng buồng, phòng được chạm khắc vào các tảng đá rắn.

Khu vực các ngôi mộ tại Blaundos thực chất đã được biết tới trong khoảng hơn 150 năm nhưng phải đến tận năm 2018, nó mới chính thức được nhóm khảo cổ của Birol Can nghiên cứu. Mục tiêu chính của nghiên cứu này là bảo tồn khu vực các tàn tích và cho đến nay, nhóm các nhà khảo cổ đã phát hiện được hai ngôi đền, một nhà tắm công cộng, một khu vực tập thể dục, một cánh cổng và các bức tường thành… Ngoài các công trình này ra, ông Can cho biết có thể còn nhiều công trình tôn giáo, công cộng nữa vẫn còn nằm ẩn dưới lòng đất.

Khám phá 400 ngôi mộ có niên đại 1.800 năm tuổi - Ảnh 2.

(Ảnh: Blaundos Archaeological Excavation Project)

Sau khi phát hiện nhiều hài cốt có niên đại từ thế kỷ thứ 2 đến thứ 3 sau Công Nguyên trong những ngôi mộ, nhóm nghiên cứu đã quyết định tập trung sâu hơn vào khu vực nghĩa địa này trong năm nay. Được biết, đây là địa điểm đã từng bị càn quét bởi những kẻ trộm mộ. Chúng phá hủy các khu chôn cất sau khi lấy trộm các món đồ tạo tác và nhiều loại trang sức khác. Tuy nhiên, từ những bằng chứng còn sót lại ví dụ như các mảnh gốm và tiền xu được dùng từ thời kỳ La Mã, các nhà khoa học vẫn xác định được niên đại của khu nghĩa địa này.

Tập hợp các “buồng mộ” Blaundos được cắt xẻ từ các loại đá khác nhau, có cả dạng buồng đơn lẫn dạng cấu trúc phức tạp hơn nhiều. Qua các dấu vết xác định được trên tường, đội nghiên cứu phỏng đoán rằng nơi đây đã từng được thiết kế chỉ để cho các căn buồng đơn. Tuy nhiên, theo thời gian, có thể vì thiếu hụt chỗ an táng, khu vực đã được mở rộng vào bên trong thêm các căn phòng thứ hai, ba và bốn.

Một số trong những ngôi mộ này hiện vẫn còn giữ những món đồ tạo tác được bồi táng theo người quá cố bao gồm gương, nhẫn, vòng tay, thắt lưng, cốc uống nước… Tất cả những thứ này là manh mối quan trọng giúp các nhà khoa học xác định giới tính, nghề nghiệp, thói quen và ngày chôn cất của chủ mộ.

Khám phá 400 ngôi mộ có niên đại 1.800 năm tuổi - Ảnh 3.

Góc nhìn từ trên xuống của khu khảo cổ Blaundos (Ảnh: Blaundos Archaeological Excavation Project)

Về các bức bích họa đặc biệt được chạm khắc trên tường trong mỗi buồng mộ, dù vẫn đủ để nhóm nghiên cứu vẫn nhận thấy sự phức tạp và nhiều màu sắc, chúng đã phần nào bị thời gian nhiều thiên niên kỷ bào mòn và hiện ở trong tình trạng khá tệ. Can chia sẻ: “Dây leo, vòng hoa, bông hoa nhiều màu và các hình học là những họa tiết được sử dụng nhiều nhất. Ngoài ra, các nhân vật thần thoại như Hermes, Eros và Medusa cùng các con vật quen thuộc như chó, chim cũng đồng thời được khắc họa”.

Trong tương lai, nhóm khảo cổ sẽ khai quật thêm hàng trăm ngôi mộ nữa ở trong khu vực này và thực hiện các nghiên cứu để xác định nguồn gốc tổ tiên, tuổi tác, giới tính và thói quen của những hài cốt trong mộ. Khi các cuộc khai quật thu hoạch được nhiều phát hiện hơn, Can hy vọng những phát hiện này sẽ được bảo vệ và lan tỏa rộng rãi tới thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước