Với địa hình có đến 3/4 diện tích là núi đá tai mèo, núi đá vôi, độ dốc lớn, ít sông, suối, Tủa Chùa khiến không ít người liên tưởng đến sự khắc nghiệt, cằn cỗi. Tuy nhiên, miền đất này lại được thiên nhiên ưu ái, ban tặng khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ với rừng thông và quần thể chè Tuyết Shan cổ thụ quý hiếm, cùng hệ thống hang động và ruộng bậc thang tuyệt đẹp.
Điểm đến đầu tiên là Sín Chải - xã cuối cùng phía Bắc của huyện Tủa Chùa, nổi tiếng với đặc sản chè Tuyết Shan cổ thụ và rượu Mông Pê - thứ thức uống truyền thống được chưng cất từ ngô, lên men bằng lá rừng sóng sánh như mật ong. Tại đây, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm vươn mình giữa ngút ngàn mây núi.
Đồi chè Shan Tuyết tại thôn Hấu Chua, xã Sín Chải được công nhận là quần thể cây chè di sản của Việt Nam
Đến Tủa Chùa dịp cuối năm, du khách có cơ hội được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang chín vàng ươm chạy khắp đồi núi, bao quanh bản làng trong tiết trời se lạnh. Giữa lưng chừng núi đá hùng vĩ, những ruộng bậc thang “Mâm Ngọc” tại bản Háng Khúa, xã Sín Chải, hiện lên như một tuyệt tác nghệ thuật. Từng thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp tựa những “Mâm xôi” kính cẩn dâng đất trời.
Tủa Chùa, Điện Biên mùa lúa chín
Địa điểm tiếp theo không thể bỏ qua khi đến với Tủa Chùa là di tích Thành Vàng Lồng được xây dựng cách đây gần 3 thế kỷ, nằm trong cao nguyên đá Tả Phìn. Thành được xây dựng chủ yếu là đá bởi phương thức ghè, đẽo hoàn toàn bằng thủ công, lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên vì thế tường thành có đường nét uốn lượn mềm mại. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, là một di sản văn hóa cổ của dân tộc Mông vùng núi Tây Bắc.
Với những giá trị lịch sử và kiến trúc, năm 2014 thành Vàng Lồng đã được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh
Khung cảnh hoang sơ, kỳ vĩ của cao nguyên đá tai mèo tại xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên
Nằm cách xa trung tâm huyện Tủa Chùa 50km, xã Huổi Só nằm giữa thiên nhiên đại ngàn hùng vĩ. Đến với Huổi Só, không thể không đến thăm cầu treo Pa Phông. Cây cầu nằm lọt thỏm giữa hai bên vách đá sừng sững, hiện lên trên nền nước xanh ngọc bích của dòng sông Đà tạo nên cảnh quan thơ mộng và trữ tình.
Cầu treo Pa Phông - “sợi dây” kết nối tuyến đường từ trung tâm xã Huổi Só đến khu tái định cư Huổi Lóng
Với tiềm năng để phát triển du lịch vùng cao, Tủa Chùa hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!