Hòa thượng Thích Huyền Diệu là một nhà hoạt động xã hội, nhà bảo vệ môi sinh và là người đã xây dựng hai ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên Thánh địa Phật giáo Ấn Độ và Nepal. Thầy cũng là người đã có những đóng góp rất to lớn trong việc góp phần chấm dứt cuộc nội chiến đẫm mãu làm chết hơn 14.000 người tại Nepal, giúp tái thiết lại nền hòa bình trên đất nước này. Mặc dù được xuất bản và tái bản nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên cuốn sách "Khi hồng hạc bay về" được ra mắt với sự tham dự và chia sẻ của Thầy Thích Huyền Diệu – tác giả cuốn sách.
Buổi lễ có sự tham gia của Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký Ban Thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Nhà thơ Hữu Thỉnh - Nguyên chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật trung ương, Nguyên chủ tịch hội nhà văn VN; Ngài Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hoà Ấn Độ và đông đảo độc giả khắp nơi trên thế giới.
Trước những đóng góp của Thầy, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hoà Ấn Độ Nepal và Bhutan, Phạm Sanh Châu chia sẻ: "Hai ngôi chùa này chính là niềm tự hào của bất kỳ người Việt Nam phật tử nào. Đó cũng là điểm dừng chân gần như của tất cả các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam mỗi khi ghé thăm chính thức Ấn Độ. Thầy Huyền Diệu là người đã có công hết sức to lớn để thúc đẩy Phật giáo nói chung và Phật giáo tại Việt Nam nói riêng cũng như đóng góp vào việc phát triển hai ngôi chùa này".
Cuốn sách là những câu chuyện kể của Thầy Huyền Diệu khi đặt chân lên đất Phật ở xứ Nepal. Từ những ngày đầu tiên là người nước ngoài đầu tiên được Đức Vua Nepal Birendra cấp đất xây chùa và lưu lại Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - địa danh nơi cách đây hơn 2.600 năm Đức Phật giáng trần, thầy Huyền Diệu đã tình cờ đón hai con chim lạ đến cư trú trong ngôi An Việt Nam Phật Quôc Tự của mình.
Khi bắt tay vào tìm hiểu, liên hệ các tổ chức quốc tế để bảo vệ loài chim này, Thầy đã phát hiện ra đây là loài chim hồng hạc quý hiếm (sếu đầu đỏ) đang bị con người lẫn thú dữ đe dọa mạng sống. Nhờ những nỗ lực của Thầy và người dân địa phương, từ một đôi chim quý bay về, sau hơn 10 năm, bầy hồng hạc đã phát triển lên đến 44 con, và hiện giờ đã lên đến khoảng 300 con sống rải rác trong vùng Lâm Tỳ Ni.
Việc bảo tồn loài chim quý còn được coi là linh điểu này còn kéo theo một chuỗi sự kiện khác. Trong quá trình bảo vệ loài chim, khi đi qua một bờ sông, thầy chứng kiến nỗi khổ của người dân trong vùng phải lội dòng nước xiết để sang bờ bên kia. Rất nhiều người đã phải bỏ mạng. Từ đó, Thầy mơ ước xây một cây cầu cho người dân vượt lũ . Cây cầu "tình thương Việt Nam" được hoàn tất từ tâm nguyện, sự đóng góp của Thầy cũng như của biết bao tấm lòng nhân ái đã kéo theo việc sau đó chính phủ Nepal mở mang đường sá, tiến đến hình thành một bệnh viện và trong tương lai sẽ là trường học.
"Tôi một mực tin tưởng rằng nếu chúng ta luôn tâm niệm làm việc phước đức thì sẽ gặp được bao nhiêu phép lạ ngay trong cuộc sống. Đây là một điều mầu nhiệm mà bản thân tôi đã chiêm nghiệm được để từ đó luôn tìm cách áp dụng trong đời và nay xin được chia sẻ cùng với bạn đọc". Đó là thông điệp tha thiết và chân thành của Thầy Huyền Diệu gửi đến bạn đọc trong tập sách " Khi hồng hạc bay về" mà Thầy tái bản lần này gồm tổng hợp: "Khi hồng hạc bay về và những diều màu nhiệm" và "Nepal - Hòa bình trong tầm tay". Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần và được hàng trăm ngàn độc giả Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới đón nhận nồng nhiệt.
Thầy Thích Huyền Diệu – tác giả cuốn sách – phát biểu trực tuyến tại buổi lễ ra mắt.
Chiến tranh Nepal bùng nổ năm 1996 giết chết trên 14.000 người và làm bị thương hàng trăm ngàn người. Thầy Huyền Diệu khi ấy sống tại vùng Lumbini của quốc gia này. Mặc dù cuộc chiến vô cùng tàn khốc nhưng với lòng tri ân Đức Phật - người mang những giáo lý và giá trị tốt đẹp đến cho nhân loại, với lòng hiếu hòa và yêu chuộng hòa bình của một người con Việt Nam, Thầy đã kiên trì vận động các phe tham chiến buông súng ngừng bắn và ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu, tái thiết hoà bình cho đất nước Nepal. Và hành trình này đã được Thày gửi gắm trong phần " Nepal - hoà bình trong tầm tay" của cuốn sách.
Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2019, Thủ tướng Nepal KP Sharma Oli đã tới dự buổi lễ giới thiệu sách của Thầy Huyền Diệu và chia sẻ: "Nepal - hòa bình trong tầm tay chính là cầu nối hòa bình. Tác giả cuốn sách thực sự đã trở thành người con của Nepal. Khi đọc cuốn sách này chúng ta sẽ thấy tình yêu, sự dâng hiến của Thầy Huyền Diệu dành đất nước Nepal chúng tôi là vô bờ bến".
Thủ tướng Nepal đến dự lễ ra mắt sách 2019
Tinh thần của cuốn sách muốn chuyển tải đó là: người Việt Nam yêu chuộng hoà bình và luôn muốn dùng lòng yêu thương để hoá giải chiến tranh, hóa giải những hận thù và xung đột. Và " Nepal – Hòa Bình trong tầm tay" cũng là nội dung được tuyển chọn trong cuốn "Khi hồng hạc bay về" được tái bản lần này.
Trong những ngày người dân Thành phố HCM gồng mình chống dịch với hàng ngàn ca lây nhiễm mỗi ngày, quỹ Thầy Huyền Diệu đã được các học trò của Thầy liên tục hơn bốn tháng không kể ngày đêm đến những Bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế, các xóm lao động nghèo để mang đến hàng vạn suất ăn, gần 100 tấn gạo, rau củ quả, hàng ngàn thùng mỳ, sữa, nước uống cùng hàng vạn khẩu trang y tế 3M, thuốc và thiết bị y tế khác. Nhóm học trò của Thầy đã tập hợp 60 xe ô tô thường trực chở miễn phí bất kể ngày đêm khi có yêu cầu vận chuyển bệnh nhân, hàng hóa cứu trợ… Vào những thời điểm khốc liệt nhất khi dịch bệnh tràn qua đất nước Ấn Độ, với tấm lòng tri ân và sự chia sẻ với quốc gia đã từng giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong những năm tháng khó khăn,Thầy đã phát động 10 ngày quyên góp để mua trang thiết bị y tế hỗ trợ nhân dân Ấn Độ và 40 tấn hàng này với gần bảy trăm bình ô xy loại 40L đã lên tàu Hải Quân Ấn Độ rời cảng Sài Gòn ngày 26 tháng 5 năm 2021 để kịp đến với nhân dân Ấn Độ trong thời điểm cam go nhất.
Chuyến hàng Thầy quyên góp cho người dân Ấn Độ năm 2021.
Sự màu nhiệm không phải trong cổ tích, không bí ẩn như huyền thoại. Đàn hồng hạc đã đáp cánh xuống ngôi chùa Việt Nam tại Nepal, bởi ở đó có một tấm lòng ấm áp luôn rộng mở.
"Nếu như tất cả chúng ta biết yêu thương quê hương xứ sở mình, biết trân trọng và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh, biết tôi luyện ý chí để vươn tới thành công, biết nuôi dưỡng văn hóa Hiếu Hòa trong tâm hồn, thì xung quanh ta, sự màu nhiệm sẽ luôn lấp lánh, kì diệu và bất ngờ". Đó cũng là thông điệp Thầy muốn gửi gắm trong cuốn sách và mong muốn truyền cảm hứng tới bạn đọc trẻ để từ đó biết sống cống hiến và ý nghĩa, đặc biệt là biết hành động vì môi sinh như những gì Thầy đã bảo tồn loài chim hồng hac – nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng đến cả thế giới và những vấn đề về ô nhiễm và biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!