Sẽ có rất nhiều điều độc giả học được từ tư tưởng cách đây 2.500 năm, để vận dụng vào cuộc sống hôm nay.
“Để đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân các nước, phải nhìn vào tiêu chí Tổng hạnh phúc quốc gia. Tức là không chỉ nhìn vào tốc độ và quy mô tăng trưởng của quốc gia đó, mà bạn phải nhìn sâu hơn vào cảm xúc trong tâm hồn của mỗi người dân bình thường. Tôi có cảm thấy an toàn không, tôi có hạnh phúc không, tôi có thực sự hòa hợp với cuộc đời tôi đang sống không?”.
Tác giả Vu Đan đã viết như vậy trong phần đề tựa của cuốn sách. Đó cũng là điều mà ông thấm nhuần được từ Khổng Tử và các học trò của ông, để truyền đạt cho mọi người.
“Khổng Tử tinh hoa” giới thiệu với độc giả 6 nội dung:
- Đạo của trời và đất
- Đạo của tâm và hồn
- Thế đạo
- Đạo bằng hữu
- Đạo của chí hướng
- Đạo nhân sinh.
Có một câu chuyện rằng: Một lần, học trò của Khổng Tử là Tử Cống hỏi rằng, điều kiện nào cần thiết để có một đất nước thanh bình và một chính quyền ổn định. Câu trả lời của Khổng Tử rất giản dị, chỉ có ba điều: vũ khí đầy đủ, lương thực đầy đủ và lòng tin của dân chúng. Nhưng khi chỉ có 1 điều kiện thì đó chính là lòng tin. Bởi Khổng Tử cho rằng, chỉ sức mạnh của niềm tin thôi cũng đã đủ để giữ đoàn kết quốc gia. Đó cũng chính là nội dung của Đạo của trời và đất.
Phần 2, Đạo của tâm và hồn đi sâu chỉ dẫn cho người đọc hiểu, biết chấp nhận những phần không vừa ý của cuộc đời và đền bù cho những thiếu sót ấy bằng nỗ lực của riêng mình. Khổng Tử nhấn mạnh, nếu muốn có nội tâm mạnh mẽ, bạn phải bình tâm trước mọi sự được mất, nhất là về mặt vật chất. Một người bị ám ảnh vì lợi lộc và những thiệt hại cá nhân không bao giờ có một tâm hồn rộng mở, hay một tinh thần thanh thản.
Mọi người hi vọng có một cuộc sống hạnh phúc, nhưng hạnh phúc chỉ là một cảm giác, nó chẳng liên quan gì đến giàu sang hay nghèo túng, mà chỉ liên quan đến nội tâm. Vì vậy, bạn hãy làm tăng sức sống cho nội tâm của mình từ cuốn sách này.