Các nhà khoa học từ Đại học Bath và Đại học Brimingham (Anh) đã chứng minh một ngày mới lành mạnh kiểu truyền thống với bữa ăn sáng, sau đó là ít phút tập thể dục, chưa hẳn là tốt nhất cho sức khỏe. Trái với mối lo sợ chưa ăn gì đã tập sẽ mệt mỏi, hạ đường huyết, nhóm nghiên cứu khuyên mọi người chỉ nên tập lúc bụng đói, sau đó hẳn ăn.
Hãy ăn một bữa sáng giàu năng lượng sau khi đã làm nóng cơ thể với bài tập thể dục, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe bất ngờ - ảnh: BATH UNIVERSITY
Các tình nguyện viên tham gia thí nghiệm đã được chia thành 2 nhóm: một nhóm chỉ uống nước rồi tập luyện, sau đó mới ăn sáng; một nhóm ăn sáng rồi tập như lời khuyên phổ biến.
Chế độ được duy trì suốt 6 tuần lễ với 3 buổi sáng có tập thể dục mỗi tuần (50 phút/buổi, tập đạp xe trên máy). Các tình nguyện viên được cho ăn sáng đa dạng thành phần và giàu carbohydrate.
Sau 6 tuần thí nghiệm, cơ thể những người tập thể dục trước khi ăn thay đổi rõ ràng: tập như nhau nhưng họ đốt mỡ gấp đôi nhóm còn lại, đồng thời nhạy cảm hơn hẳn đối với insulin. Trái ngược với tình trạng kháng insulin, nhạy cảm insulin giúp một người có thể kéo giảm đường huyết hiệu quả hơn đa số chỉ với một ít insulin.
Theo tiến sĩ Javier Gonzalez (Đại học Bath), thành viên nhóm nghiên cứu, điều này đồng nghĩa với việc những người tập luyện trước khi ăn sáng đã tự cắt giảm được nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2, do họ dễ tự cân bằng đường huyết hơn.
Theo thống kê toàn cầu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường ở người trưởng thành năm 2014 lên đến 8,5%. Còn thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thì nêu ra tỉ lệ đến 9,4% riêng tại quốc gia này. Đa số các trường hợp là tiểu đường type 2, loại tiểu đường có nguyên nhân chủ yếu do thừa cân – béo phì, chế độ ăn uống, vận động thiếu lành mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!