Những đồ ăn trưng bày tại các nhà hàng có thể khiến người qua đường nuốt nước bọt... nhưng chúng chỉ làm hài lòng thị giác của thực khách. Đây là hình ảnh phổ biến ở Nhật Bản, nơi các nhà hàng có truyền thống thu hút khách bằng mô hình đồ ăn giả.
"Khác với những bức hình về món ăn, các mô hình đồ ăn có kích thước như thật nên thực khách biết mình sẽ được phục vụ những gì trước khi bước vào nhà hàng" - ông Norihito Hatanaka - Chủ xưởng làm mô hình đồ ăn Fake Food Hatanaka, cho biết.
Ông Hatanaka là chủ một xưởng gia công nhỏ ở ngoại ô thành phố Tokyo. Tại đây, những người thợ của ông thổi hồn vào những miếng nhựa vô tri, biến chúng thành những mô hình món ăn hấp dẫn không kém gì đồ thật.
Ở thời đại công nghệ mà máy in 3D đang dần thay thế bàn tay con người, những công cụ mà họ sử dụng hoàn toàn đơn giản. Đây là một trong những công việc mà tính sáng tạo, sự tỉ mỉ và quan trọng hơn hết là lòng tận tâm với nghề được đề cao hơn cả.
Đồ giả, nhưng giá của chúng lại đắt hơn nhiều so với đồ thật. Mỗi món ăn này có giá trung bình vài trăm USD. Tuy nhiên, như một số ngành nghề truyền thống, nghề làm mô hình đồ ăn giả khó khả năng phát triển hơn. Nguyên nhân là do sản phẩm không tiếp cận được tới các nhà hàng cao cấp, cũng như chỉ giới hạn trong nước Nhật. Hiện một số công ty như Hatanaka đang hướng đến các thị trường khác, thay vì chỉ phục vụ cho các nhà hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!