Nhưng nói thế không có nghĩa đó là chuyện bình thường và tầm thường vì biếng ăn kéo dài có thể dẫn đến nhiều hậu quả khó lường như sụt cân, thiếu máu, teo cơ, loãng xương, trầm cảm...
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, tình trạng không muốn ăn đến độ sợ bữa ăn hay thậm chí từ chối món ăn dưới hình thức nôn ói là biểu tượng đi kèm với tình trạng phân liệt cá tính và rối loạn nội tiết tố.
Bệnh nhân vì thế cần được điều trị đúng bài bản trên cả hai mặt tâm thể. Mặt khác, thân nhân cũng có thể phần nào hỗ trợ liệu pháp nếu biết cách vận dụng tri thức về dinh dưỡng để qua đó giúp người bệnh tìm lại cảm giác thèm ăn.
Không sai nếu ăn ngon bằng mắt. Người chán ăn vì thế không nên xa lánh các loại rau quả có màu cam hay vàng cam rực rỡ vì theo các nhà phân tâm thì những màu này có tác dụng gây cảm giác đói qua trục phản xạ thần kinh thị giác – tuyến yên.
Kế đến, đừng chọn khẩu phần có lượng lớn nhưng đơn điệu trên tinh thần “thiếu nhiều phải bù gấp”. Ngược lại, bữa ăn càng đa dạng càng tốt, càng có nhiều khẩu vị trái ngược, như món chua đi kèm món cay... thì càng hay.
Bên cạnh đó, nên có hải sản nếu thực khách không ghét mùi tanh, hoặc chọn sô-cô-la loại càng đen càng tốt, vì cơ thể người biếng ăn chắc chắn thiếu kẽm, nhân tố cần thiết cho tính bén nhạy của thần kinh vị giác; chú trọng các món gia vị như thì là, rau quế, ngò gai, tai vị... vì tuy chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào nhưng tô phở nhà mình chắc chắn là món ăn nên thuốc; ưu tiên cho trái bơ làm món tráng miệng để nhờ sinh tố E tu bổ niêm mạc dạ dày; uống nhiều nước chia đều trong ngày với vài lần là trà có tính lợi mật như trà cúc hoa, trà atisô...
Bệnh nhân đương nhiên còn cần lưu ý một số yếu tố khiến thần kinh vị giác làm... biếng. Chẳng hạn như tuyệt đối tránh món màu trắng (cháo, sữa, bánh lạt...) vì gây cảm giác no ngang sau khi mới ăn vài miếng; né món có mùi tanh, nếu ăn cá thì đừng quên nhỏ vài giọt chanh trong khi chiên xào và trước khi ăn; giảm món cà ri vì tuy hưng phấn khẩu vị lúc đầu nhưng sau đó dễ tăng cảm giác buồn nôn sau bữa ăn; bớt các loại cải và bắp vì cảm giác đầy bụng sau bữa ăn là lý do khiến người bệnh không thấy đói khi đến bữa ăn kế tiếp.
Điều đại kỵ ở người bị biếng ăn là việc áp dụng khẩu phần không theo khẩu vị của bệnh nhân mà theo định kiến của người thân. Đừng quên biếng ăn trong nhiều trường hợp là một hình thức phẫn uất tâm lý ở người trước đó đã bị giày vò vì mặc cảm không được coi trọng đúng mức.