Trung thu không chỉ là dịp để trẻ em vui chơi, mà còn là thời điểm để người lớn hồi tưởng về tuổi thơ. Những món đồ chơi truyền thống như đèn lồng, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, ông sao hay những chiếc đèn cù đơn sơ, chiếc trống mộc mạc nhưng mang đầy ý nghĩa. Chúng không chỉ đơn thuần là vật phẩm giải trí, vui chơi mà còn chứa đựng cả một bầu trời kỷ niệm và giá trị văn hóa không thể mờ phai.
Những chiếc mặt nạ Chí Phèo ngộ nghĩnh được tạo nên từ đôi bàn tay tài hoa của người thợ làng Ông Hảo.
Nằm tại xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, làng Ông Hảo là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng với việc sản xuất đồ chơi Trung thu. Dù hiện nay, chỉ còn khoảng 6-7 hộ gia đình làm, nhưng những người thợ nơi đây vẫn nâng niu, giữ gìn và phát triển món đồ chơi truyền thống đặc trưng là mặt nạ giấy bồi.
Khác với mặt nạ của các nơi khác, mặt nạ làng Ông Hảo được làm thủ công từ những nguyên liệu đơn giản như giấy trắng, giấy báo và bìa carton tái chế cùng hồ dán nấu từ bột sắn. Những người thợ khéo léo đã bồi chúng thành những chiếc mặt nạ sống động, ngộ nghĩnh.
Dù làm quanh năm nhưng thời gian tất bật nhất là vào dịp Trung thu. Những chiếc mặt nạ sắc màu làng Ông Hảo được đông đảo khách hàng đón nhận và thường bán đi các tỉnh thành ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương,... và một số tỉnh thành phía Nam như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh,...
Ông Vũ Huy Đông khéo léo vẽ lên những đường nét trên chiếc mặt nạ.
Ông Vũ Huy Đông, một người thợ lâu năm đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm mặt nạ truyền thống ở làng Ông Hảo. Trải qua nhiều thăng trầm cùng nghề, ông Đông luôn nỗ lực gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa mà ông cha để lại. Tuy nhiên, để sản phẩm không bị mai một và có thể tồn tại trong thời đại hiện nay, ông đã tìm cách kết hợp những yếu tố mới mẻ và sáng tạo vào từng chiếc mặt nạ.
“Để đáp ứng thị hiếu hiện tại, gia đình tôi đã làm cải tiến lên khoảng hơn 20 mẫu mã đa dạng, khác nhau, gắn với các hình tượng 12 con giáp hay nhân vật dân gian gần gũi. Bên cạnh đó còn phải dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để những sản phẩm được tạo ra vừa bắt kịp xu thế thời nay mà vẫn giữ được bản sắc xưa." - Ông Đông chia sẻ.
Những năm gần đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đang dần lấy lại vị thế trong lòng người tiêu dùng bởi ưu điểm làm từ vật liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe của con người và được làm thủ công. Hơn nữa, mẫu mã ngày càng đa dạng, phong phú bởi sự sáng tạo không ngừng nghỉ nhờ những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng nghề.
Ngoài sản xuất các loại mặt nạ bồi giấy, làng Ông Hảo cũng được biết đến với nghề làm trống gỗ thủ công. Hình ảnh chiếc trống tròn tựa trăng Rằm tháng Tám luôn hiện hữu mỗi mùa Trung thu về. "Tùng rinh rinh cắc tùng rinh rinh, tùng rinh rinh cắc tùng rinh rinh…" - Tiếng trống như đưa con người ta trở về với những ký ức của Trung thu xưa, bao dấu ấn và hoài niệm không thể phai nhòa.
Những chiếc trống ở làng Ông Hảo được chế tác thủ công từ các loại gỗ tốt như gỗ mít, gỗ xoan – những chất liệu bền bỉ và có độ vang âm tốt. Mặt trống được bưng kín bằng da trâu, da bò, được căng và cố định chắc chắn, tạo nên âm thanh vang rền, đều đặn. Quá trình làm trống đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ, từ việc chọn gỗ, căng da đến điều chỉnh âm thanh sao cho thật chuẩn.
Những chiếc trống làng Ông Hảo gắn liền với tuổi thơ của bao người.
Gia đình ông Hởi đã có khoảng 40 năm làm trống, đến nay dù thị trường tràn ngập các loại đồ chơi hiện đại, trẻ em vẫn đặc biệt yêu thích những chiếc trống truyền thống và ngọn lửa làm nghề của ông và gia đình vẫn rực cháy mãi cho đến tận bây giờ.
Ông Hởi hào hứng chia sẻ: “Tôi rất vui mừng và vinh dự khi vẫn còn được làm nghề, được giữ nghề làm trống cổ truyền của dân tộc Việt nam. Mong sao lớp trẻ hiện đại vẫn sẽ yêu thích những món đồ chơi truyền thống và có thể sẽ trở thành những thế hệ tiếp nối nghề này.”
Những món đồ chơi Trung thu truyền thống gợi nhớ về một thời thơ ấu bình dị, về những ngày Tết Trung thu rộn ràng tiếng trống, tiếng cười. Việc duy trì và phát triển nghề làm đồ chơi Trung Thu tại làng Ông Hảo là một trong những cách bảo tồn và phát huy giá trị quý báu này, để ngọn đuốc văn hóa truyền thống mãi luôn rực cháy. Dẫu biết thời gian trôi qua và cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng nhịp tim của những giá trị truyền thống vẫn sẽ còn đập mãi trong dòng chảy của đời sống hiện đại. Từng chiếc mặt nạ giấy bồi, từng tiếng trống rộn ràng đều mang theo câu chuyện của một thời đã qua, làm sống dậy trong tâm hồn mỗi người những kỷ niệm đẹp đẽ và ý nghĩa. Qua đó, tình yêu dành cho truyền thống và văn hóa dân tộc được nuôi dưỡng và phát triển, trở thành sợi dây vô hình kết nối quá khứ và hiện tại, giữ vững bản sắc riêng của đất nước Việt Nam ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!