Trong văn hóa dân gian của người Việt, tiếng trống trở thành một phần không thể thiếu, vừa hào hùng lại vô cùng thiêng liêng. Tại mảnh đất Hà Nam, nằm dưới chân núi Đọi có nghề làm trống với hơn 1.000 năm tuổi. Đây cũng là quê hương của hai quả trống Sấm lớn nhất Việt Nam và dàn trống hội phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Làng trống Đọi Tam rộn ràng chế tác nhạc cụ lễ hội xuân.
Theo người dân trong làng kể lại, hai anh em ông tổ làng nghề Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản khi xưa nghe tin vua Lê Đại Hành sắp về làng làm Lễ tịch điền để khuyến nông, hai ông liền về nhà hạ cây mít trong vườn, thịt con trâu lấy bộ da để làm trống đón vua. Mùa xuân năm Thiên Phúc thứ 7 thời vua Lê Đại Hành (tức năm 987), Ngài đã xuống ruộng hành lễ tịch điền ở Đọi Sơn trong tiếng trống của anh em Năng, Bản.
Cũng chính bởi tiếng trống vang như sấm mà sau này hai ông được tôn làm Trạng Sấm và Đọi Sơn là làng nghề hiếm hoi trong cả nước biết rõ được năm sinh, năm mất của cụ tổ nghề Nguyễn Đức Năng (925-990).
Trong suốt chiều dài lịch sử, nghề làm trống và sản phẩm trống Đọi Tam luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Trống Đọi Tam được biết đến bởi mang hơi thở của lịch sử cùng quân ta ra trận hoặc đặt ở các công đường để người dân có thể gióng trống kêu oan. Ngày nay, trống được sản xuất với nhiều công năng như trống thờ, trống trong đời sống nghệ thuật dân gian, trống được sử dụng là công cụ truyền tải thông tin.
Để làm ra một chiếc trống hoàn chỉnh, người thợ phải kỳ công, tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Đến làng nghề những ngày đầu năm, không khí lao động tất bật, nhộn nhịp đã quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Sân nhà nào cũng giăng đầy những mảnh trống đang làm dở dang. Từ người già đến trẻ nhỏ, nam thanh niên đều nhanh tay, lành nghề.
“Nghề làm trống sản xuất quanh năm nhưng khoảng thời gian trước Tết và sau Tết là dịp làng nhận được nhiều đơn đặt hàng nhất bởi các lễ hội hầu hết được tổ chức vào dịp này. Xưởng của tôi phải hoạt động hết công suất để kịp cung ứng ra thị trường”, anh Trung nói.
Chia sẻ về bí quyết của nghề trống Đọi Tam, anh Trung cho hay phải trải qua 3 khâu quan trọng làm da, làm tang và bưng trống. Da trâu được nạo sạch mặt, sau đó căng, phơi rồi sấy và cắt thành mặt trống để dai, không mục, mủn.
Da trâu sẽ được cạo lớp phôi cho mỏng rồi đem phơi khô.
Sau đó người thợ sẽ cắt thành từng vòng tròn phù hợp với kích thước của từng loại trống.
Tang trống được làm bằng gỗ mít khô và được xẻ cong. Mỗi cây gỗ được chia làm nhiều dăm khác nhau. Sau đó, thợ làm trống sẽ làm cho các dăm được gắn kết lại với nhau, tạo thành một chiếc trống kín, khít và tròn. Ngoài ra, dăm trống sẽ không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh của trống.
Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít già, có độ cong được thu mua từ nhiều nơi chủ yếu là Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Bưng trống là công đoạn khó khăn nhất, không chỉ đơn giản là căng tròn da trâu lên bề mặt trống rồi dùng đinh bằng tre đóng cố định vào thân trống. Việc bưng trống còn đòi hỏi người làm trống phải có tai thính để thẩm định được tiếng trống được gắn vào nốt nhạc nào trong dàn trống.
Người thợ làm nghề luôn tâm huyết, sáng tạo cho mỗi sản phẩm trống.
“Để có được tiếng trống như ý thì phụ thuộc vào tay nghề của người làm, vì mỗi loại trống có yêu cầu về âm thanh khác nhau như độ vang, rền và độ đanh. Nếu trống trường âm thanh phải vang, rền còn trống chèo lại đòi hỏi âm thanh trầm lắng hơn”, anh Trung cho biết thêm.
Trong những ngày đầu xuân, tiếng trống Đọi Tam vang vọng được người dân gửi gắm với mong ước khởi đầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Ngày này, những người thợ làng nghề trống Đọi Tam luôn luôn tìm tòi và sáng tạo, các sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng. Đó là sự đa dạng hoá các sản phẩm, sáng tạo nhiều chủng loại, kiểu dáng trống mới. Từ đó, nghề làm trống đã mang lại lợi ích về kinh tế, nhiều người thợ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương chiêm trũng bằng chính bàn tay khối óc của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!