Gần đây, tổ chức Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) châu Âu đã đưa ra thông báo, lỗ thủng tầng ozone tại Bắc Cực đã hoàn toàn đóng kín sau khi tồn tại trong nhiều tuần. Trước đó, kích thước của lỗ thủng này đã được ghi nhận đã đạt mức kỷ lục trong lịch sử thế giới, tương đương với diện tích đảo Greenland (Đan Mạch).
Đại diện CAMS, nhóm nghiên cứu về hiện tượng này cho biết: “Lỗ thủng tầng ozone về cơ bản là biểu hiện của một một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó chính sự suy giảm ozone. Hiện tượng lỗ thủng khép lại diễn ra theo chu kỳ hằng năm, vì vậy điều này không có nghĩa là chất lượng khí ozone đang được cải thiện”.
Hình ảnh cho thấy việc "lốc xoáy cực" suy yếu đi và bị chia nhỏ đã giúp lỗ thủng ozone dần khép lại (Ảnh: Copernicus ECMWF)
Mặc dù, việc xuất hiện lỗ thủng tầng ozone tại Bắc Cực vẫn thường xuyên xảy ra do khí hậu khắc nghiệt nơi đây nhưng điều kiện môi trường gây nên sự suy giảm ozone mạnh mẽ như lỗ thủng khổng lồ tháng 4 này lại được cho rằng là dị thường và hiếm gặp.
Theo nhóm nghiên cứu, việc nhiệt độ đặc biệt thấp cộng với các luồng gió mạnh đã tạo nên một cơn “lốc xoáy cực” khiến môi trường trở nên khắc nghiệt hơn và dẫn đến tình trạng suy giảm ozone trên diện rộng. Bên cạnh đó, lốc xoáy cực này chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc hoàn toàn và có thể sẽ hình thành trở lại trong thời gian tới.
Tuy toàn bộ tiến trình phát triển và khép kín của lỗ thủng đáng chú ý này trùng khớp với thời gian các quốc gia thực hiện phong tỏa và cách ly trong đại dịch COVID-19, các nhà khoa học khẳng định, sự hạn chế hoạt động của người dân khắp nơi trên thế giới trong thời gian qua không gây tác động đến sự hồi phục của tầng ozone trong trường hợp này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!