Không phải tất cả các loại hạt đều mang lại lợi ích như nhau và không nên tiêu thụ quá nhiều các loại hạt dù không gây tăng cân như một số thực phẩm khác.
Sau đây là một số loại hạt hàng đầu về giá trị dinh dưỡng nên được bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày:
1.Hạt hạnh nhân:
Hạnh nhân đứng đầu danh sách các loại hạt của hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng vì giàu chất xơ hơn bất kỳ loại hạt nào khác. Chất xơ có thể làm giảm nguy cơ ung thư và tiểu đường loại 2 và hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
Hạnh nhân cũng giàu vitamin E, qua đó góp phần mang đến làn da khỏe khoắn, hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và hỗ trợ chức năng mạch máu.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, hạt hạnh nhân cũng giúp hạ thấp mức cholesterol "xấu" vì vỏ hạnh nhân giàu chất chống oxy hóa polyphenol. Hạnh nhân cũng chứa nhiều canxi và phốt pho, có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe xương.
2.Hạt dẻ cười
Hạt dẻ cười chứa nhiều kali giúp tăng cường chức năng não và kiểm soát cơ. Đáng chú ý, kali là chất dinh dưỡng có hàm lượng rất thấp trong chế độ ăn thường ngày. Loại hạt này cũng cung cấp nhiều vitamin B6 và B1 (thiamine). Những chất này hữu ích trong việc tăng cường sức khỏe miễn dịch, ngăn ngừa thiếu máu do rối loạn máu và giảm buồn nôn trong thai kỳ. Ngoài ra, hạt dẻ cười có lượng calo thấp nhất trong các loại hạt nên rất thích hợp để ăn vặt.
3.Hạt quả hạch Brazil
Hạt quả hạch Brazil là loại hạt độc đáo vì chúng chứa hàm lượng selen cao nhất tính trên một đơn vị đo lường so với bất kỳ nguồn thực phẩm nào khác. Selen là một chất dinh dưỡng giúp tuyến giáp hoạt động khỏe mạnh và tăng cường khả năng chống lại bệnh tật và nhiễm trùng của cơ thể. Tuy nhiên vì rất giàu selen nên các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn quá 3 hạt quả hạch Brazil mỗi ngày.
Hạt quả hạch Brazil cũng là nguồn chất xơ prebiotic đặc biệt tốt giúp đường ruột khỏe mạnh, hỗ trợ chức năng não. Ngoài ra hạt còn chứa nhiều sắt - một khoáng chất thiết yếu hỗ trợ tăng trưởng và phát triển.
4.Hạt lạc (đậu phộng)
Đậu phộng đặc biệt giàu protein và folate. Protein rất cần thiết cho sự phát triển cơ và phục hồi mô, và folate thì là chất thiết yếu cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi ở bà mẹ mang thai.
Đậu phộng cũng chứa nhiều niacin hơn bất kỳ loại hạt nào. Niacin là một loại vitamin B hỗ trợ hệ thần kinh và hệ tiêu hóa, giúp giảm đau do viêm khớp. Hàm lượng chất xơ cao trong đậu phộng cũng có thể làm giảm nguy cơ phát triển sỏi mật.
5.Hạt óc chó
Hạt óc chó (Ảnh: Pixabay)
Hạt óc chó là nguồn dinh dưỡng dồi dào, tốt cho não bộ và tim mạch. Mặc dù hầu hết các loại hạt đều có thành phần chất béo lành mạnh và nhiều vitamin, khoáng chất, nhưng hạt óc chó còn cung cấp thêm axit béo omega-3. Omega-3 mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bao gồm cải thiện tâm trạng, sức khỏe mắt, da và khớp. Omega-3 cũng liên quan đến việc giảm triglyceride, giảm viêm và cải thiện huyết áp.
Mặc dù mỗi loại hạt đều có những giá trị dinh dưỡng riêng, phù hợp với nhu cầu khác nhau tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, sự kết hợp các loại hạt là cách đơn giản, hiệu quả để nâng cao lợi ích cho sức khỏe, giúp bảo vệ tim, cải thiện chức năng não và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!