Làng So, xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội nổi tiếng với những giếng đá ong sâu gần 20m trên địa hình đất pha cát, chắt lọc ra thứ nước ngọt lành, trong mát, bốn mùa sóng sánh không cạn. Chính từ nguồn nước đặc biệt này, người làng So đã khéo léo tạo nên những sợi miến nổi tiếng bởi sự trắng trong, dẻo dai, hương vị mộc mạc mà rất đậm đà – miến làng So.
Miến làng So - Đặc sản của vùng quê tại Thủ đô Hà Nội.
Cũng chính bởi thế, dân gian có câu “Cỗ yến thiếu miến làng So”, được giải thích rằng dù cho có mâm cao cỗ đầy, nhưng nếu thiếu miến của làng So thì mâm cỗ chưa thể đủ đầy, trọn vẹn vị ngon.
Được làm từ nguyên liệu 100% bột củ dong riềng nguyên chất, nổi tiếng với sợi miến thơm ngon và dai mềm.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề làm miến dong đã xuất hiện ở làng So hơn 10 thế kỷ trước, gắn với câu chuyện người dân làng So làm lễ tiễn Đinh Bộ Lĩnh và 300 tráng đinh lên đường dẹp loạn 12 sứ quân. Từ nghề truyền thống của cha ông, bằng sự tài tình khéo léo, những người dân nơi đây đã tạo nên thương hiệu miến làng So nức tiếng gần xa.
Miến được đóng gói trong các túi nhỏ khoảng 500g.
Miến làng So có hương vị khác biệt so với các nơi khác nhờ được làm hoàn toàn từ củ cây dong riềng lấy ở các vùng núi như Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Mộc Châu – nơi có thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi.
Những củ dong làm miến được chọn là loại to, đều và già. Sau đó được rửa sạch và đưa vào máy nghiền thành bột. Một mẻ miến cần phải qua ít nhất 3 khâu thau rửa bột. Việc ngâm bột và thau rửa kỹ như vậy sẽ giúp loại bỏ chất cặn bã và sạn. Sau 3 lần lọc sẽ cho ra bột tinh sạch. Thứ bột trắng mịn ấy được cho vào tráng thành bánh, phơi cho “héo”, sau đó cán thành sợi rồi phơi lại cho khô.
Máy móc và quy trình sản xuất thì có thể giống nhau, nhưng điểm phơi miến, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lại là cái làm nên điều khác biệt của mỗi cơ sở.
Theo anh Dương Đình Khôi - Cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên cho biết: “Trước đây, chúng tôi làm miến truyền thống theo phương pháp thủ công. Chất lượng của miến hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu, kinh nghiệm kết hợp với sự tài hoa từ bàn tay khéo léo của người thợ. Ngày nay, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường, chúng tôi đã đầu tư máy móc hiện đại và đảm bảo một vòng tròn khép kín từ xay bột, tráng bánh cho đến sấy khô”.
Người dân chuyển từ tráng miến thủ công sang sản xuất bằng máy, theo dây chuyền khép kín từ khâu lọc bột, làm chín, đến tráng miến.
Việc sản xuất miến không chỉ duy trì, phát triển văn hóa làng nghề mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với công việc làm nông đơn thuần, đồng thời đem đến thu nhập, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai cho biết: “Miến dong làng So đã đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm trên toàn quốc theo đúng quy định. Năm 2020, sản phẩm miến làng So được UBND TP. Hà Nội chính thức công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Từ đây, thương hiệu của miến làng So đã khẳng định chất lượng cũng như là cái vị trí, chỗ đứng ở trên thị trường”.
Nghề làm miến tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Miến làng So sản xuất quanh năm với sản lượng 4-5 tấn miến/ngày nhưng cao điểm nhất là dịp cuối năm cận Tết Nguyên đán. Lúc này, cả làng tất bật làm việc, nhân công huy động tối đa, xe ra vào làng nhộn nhịp chở miến đi phân phối khắp nơi. Người làng So tự hào khi sản phẩm ẩm thực truyền thống của địa phương có mặt trang trọng trên mâm cỗ dâng lên bàn thờ tổ tiên trong dịp Lễ, Tết thiêng liêng của các gia đình Việt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!