Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Malaysia là quốc gia có tỷ lệ người dân béo phì cao nhất Đông Nam Á.
Anh Zakaria (người dân Kuala Lumpur, Malaysia) cao 1m75, nặng 125 kg. Anh bị xác định là béo phì ngay từ khi mới 7 tuổi. Anh cho rằng nguyên nhân do chế độ ăn uống từ nhỏ. Người Malaysia có thói quen ăn nhiều cơm, các loại nước sốt béo ngậy - khẩu phần ăn dư thừa năng lượng.
"Tôi nhận thấy béo phì đặt ra nhiều rào cản trong cuộc sống như tìm bạn gái rất khó khăn hoặc phỏng vấn xin việc cũng hay bị trượt", anh Zakaria nói.
Khoảng 11 triệu người Malaysia bị xác định là thừa cân hoặc béo phì. Đây là một con số đáng báo động.
Ông Azrul Mohd Khalib - Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe và Chính sách Xã hội Galen cho hay: "Có thể coi tình trạng béo phì tại Malaysia đã ở mức khủng hoảng. Khi số người thừa cân, béo phì tăng lên, số ca tiểu đường, cao huyết áp, suy giảm chức năng thận cũng xuất hiện nhiều hơn".
Malaysia khuyến khích người dân tăng cường vận động để giảm tình trạng thừa cân.
Ông Khalib cũng cho biết, Malaysia hứng chịu nhiều thiệt hại kinh tế từ tình trạng thừa cân, béo phì. Thời gian lao động của một người béo phì sẽ thấp hơn người bình thường từ 6 - 11 năm. Thừa cân béo phì khiến Malaysia tiêu tốn ngân sách từ 1 - 2 tỷ USD mỗi năm cho các dịch vụ y tế. Con số này chiếm gần 1/5 tổng ngân sách dành cho y tế của quốc gia.
Bên cạnh việc đánh thuế đồ ngọt, Chính phủ Malaysia đã phát động các chiến dịch tuyên truyền, khuyến khích người dân tăng cường vận động để giảm tình trạng thừa cân. Các lớp tập thể dục tại Malaysia đang thu hút rất đông những người trẻ tuổi.
Anh Izdihar Zakaria - người dân Kuala Lumpur, Malaysia cho hay: "Tôi đã giảm được 25kg chỉ sau 7 tháng tập thể dục. Hiện tôi thấy cơ thể nhiều năng lượng hơn và cũng làm thêm được nhiều việc. Tôi cảm giác như mình đang có cuộc sống mới sau khi giảm cân".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!