Theo thống kê của Tekoku Databank, trong năm ngoái, có tổng cộng 72 cửa hàng mì Ramen phá sản và đóng cửa, vượt năm 2020 - năm nhiều cửa hàng đóng cửa do đại dịch COVID-19. Ngoài ra, trong số 350 công ty liên quan đến mì Ramen được khảo sát, có tới 30% đang hoạt động thua lỗ.
Theo Báo Nikkei, giá thành của nguyên liệu của bát mì Ramen đã tăng mạnh trong năm qua do lạm phát, đáng chú ý là giá thành thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh, khiến giá thành mì Ramen tăng lên. Tờ báo này đã đề cập đến "rào cản" 1.000 Yen (gần 170.000 đồng) cho 1 bát mì. Nếu giá thành vượt quá 1.000 Yen, sẽ làm giảm lượng khách hàng, nên việc tăng giá là rất khó khăn.
Báo TBS new đánh giá vì mì Ramen đã in đậm hình ảnh là món ăn bình dân, giá rẻ nên rất khó để đưa ra mức giá hợp lý và việc tăng giá là rất khó khăn. Dự báo khả năng xu hướng đóng cửa sẽ tiếp tục trong năm 2025.
Báo Nippon dẫn số liệu điều tra của Tokyo Shoko Research, cũng cho thấy trong năm 2024 có 57 vụ nhà hàng Ramen đóng cửa và là mức cao nhất từ khi thống kê. 70% vụ đóng cửa xuất phát từ nguyên nhân "doanh số bán hàng kém".
Bát mì Ramen. Ảnh: borneobulletin.com.bn
Theo phân tích của Tokyo Shoko Research, tổng số nợ là 2,3 tỷ Yen (hơn 15 triệu USD) không phải quá lớn, nên đóng cửa đa phần là các quán mì quy mô nhỏ.
Theo hãng tin Jcast lý giải, cửa hàng mì Ramen có thể mở dễ dàng với quy mô nhỏ, vì vậy nhiều người có thể tham gia. Tuy nhiên, trong khi có những cửa hàng Ramen nổi tiếng phải xếp hàng dài, thì có những cửa hàng Ramen nhanh chóng bị thải loại do chi phí nguyên liệu và vận hành tăng cao, cũng như gặp khó khăn về tài chính.
Đã xuất hiện nhiều ý kiến kêu gọi thay đổi cách kinh doanh, tái cơ cấu ngành công nghiệp mì ramen của Nhật Bản. Hoặc là nâng giá thành, đồng thời nâng cao chất lượng và thương hiệu; hoặc là sẽ bị đóng cửa. Hơn nữa cũng cần đa dạng các món ăn trong quán mì Ramen truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!